Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của ngân hàng hợp tác xã (Hình từ internet)
Ngày 28/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 27/2024/TT-NHNN quy định về ngân hàng hợp tác xã, việc trích nộp, quản lý và sử dụng quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư 27/2024/TT-NHNN đã quy định các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của ngân hàng hợp tác xã như sau:
Thành viên ngân hàng hợp tác xã chấm dứt tư cách thành viên trong các trường hợp sau:
- Thành viên chấm dứt tư cách pháp nhân.
- Thành viên là pháp nhân khác đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho pháp nhân khác theo quy định tại Điều 14 Thông tư 27/2024/TT-NHNN.
- Thành viên là pháp nhân khác xin ra khỏi ngân hàng hợp tác xã và được Hội đồng quản trị ngân hàng hợp tác xã chấp thuận cho ra khỏi ngân hàng hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng hợp tác xã.
- Thành viên là pháp nhân khác bị Đại hội thành viên khai trừ ra khỏi ngân hàng hợp tác xã trong các trường hợp sau:
+ Không có người đại diện đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã;
+ Không góp đủ vốn thường niên theo quy định tại Điều 12 Thông tư 27/2024/TT-NHNN;
+ Các trường hợp khác được pháp luật hoặc Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã quy định.
Theo Điều 10 Thông tư 27/2024/TT-NHNN đã quy định về điều kiện để trở thành thành viên của ngân hàng hợp tác xã như sau:
- Đối với các quỹ tín dụng nhân dân: quỹ tín dụng nhân dân trở thành thành viên của ngân hàng hợp tác kể từ ngày được cấp Giấy phép.
- Đối với pháp nhân khác: Hoạt động kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm đề nghị tham gia là thành viên và có đơn đề nghị tham gia.
- Các đối tượng quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều 10, phải góp đủ vốn góp theo quy định tại Điều 12 Thông tư 27/2024/TT-NHNN và cử đại diện hợp pháp tham gia.
Theo Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về các hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:
- Quỹ tín dụng nhân dân nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam.
- Quỹ tín dụng nhân dân cho vay bằng đồng Việt Nam.
- Quỹ tín dụng nhân dân cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó, trừ việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.
- Các hoạt động kinh doanh khác của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:
+ Nhận vốn ủy thác cho vay của tổ chức, cá nhân;
+ Đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho ngân hàng hợp tác xã đối với thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó;
+ Vay, gửi tiền tại ngân hàng hợp tác xã; vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay, gửi tiền lẫn nhau;
+ Tham gia góp vốn tại ngân hàng hợp tác xã;
+ Mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, bảo quản tài sản;
+ Đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
+ Tư vấn cho thành viên về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và địa bàn hoạt động của từng quỹ tín dụng nhân dân trong Giấy phép.
Lê Nguyễn Anh Hào