TPHCM: Thí điểm thẩm quyền trong quản lý nhà nước về nội vụ (Hình từ internet)
Ngày 10/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực từ ngày ban hành.
Cụ thể, theo Điều 11 Nghị định 84/2024/NĐ-CP quy định về quản lý nhà nước về nội vụ của TPHCM như sau:
- Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố:
+ Quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, đảm bảo phù hợp với đặc thù Thành phố, không làm tăng số lượng cơ quan chuyên môn hiện có;
+ Căn cứ điều kiện, tình hình thực tế và ngân sách, Thành phố quyết định mức thưởng thêm đối với tập thể, cá nhân lập thành tích vượt trội hoặc đặc biệt xuất sắc đột xuất trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Thành phố ngoài mức thưởng theo quy định hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của Thành phố.
- Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền quyết định chỉ tiêu và tổ chức thi nâng ngạch công chức lên chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 32 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
- Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, đảm bảo phù hợp với đặc thù Thành phố, không làm tăng số lượng cơ quan chuyên môn hiện có.
Việc phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thành phố) được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nội dung cụ thể sau:
- Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trương của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố.
- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ; phát huy trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Phân cấp quản lý nhà nước gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền Thành phố.
- Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực nhằm tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, tạo sự chủ động và hoàn thiện cơ chế phân cấp cho chính quyền Thành phố.
- Phân cấp quản lý nhà nước đi đôi với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước của Thành phố; giải quyết kịp thời các khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân.
- Việc quy định hoặc điều chỉnh thủ tục hành chính liên quan đến nội dung phân cấp phải bảo đảm nguyên tắc sau:
+ Những nội dung phân cấp đã quy định thủ tục hành chính thì điều chỉnh chủ thể thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở hồ sơ và trình tự, thủ tục hiện hành, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính;
+ Những nội dung phân cấp chưa quy định thủ tục hành chính thì thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.
(Điều 3 Nghị định 84/2024/NĐ-CP)
Theo Điều 1 Nghị định 84/2024/NĐ-CP đã quy định về nội dung thí điểm phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) một số lĩnh vực sau:
(1) Quản lý nhà nước về đầu tư.
(2) Quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước.
(3) Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
(4) Quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
(5) Quản lý nhà nước về y tế.
(6) Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
(7) Quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp.
(8) Quản lý nhà nước về nội vụ.
Xem thêm nội dung tại Nghị định 84/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2024.
Lê Nguyễn Anh Hào