Hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành Thuế mới nhất (Hình từ Internet)
Ngày 09/7/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 928/QĐ-TCT về Quy chế hoạt động sáng kiến Tổng cục Thuế.
Theo quy định tại Điều 19 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 928/QĐ-TCT năm 2024 thì hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành Thuế bao gồm:
- Công văn đề nghị công nhận sáng kiến của đơn vị (Mẫu số 02/SK).
Mẫu số 02/SK |
- Danh sách đề nghị công nhận sáng kiến (Mẫu số 03/SK).
Mẫu số 03/SK |
- Đơn đề nghị công nhận sáng kiến (Mẫu số 01/SK).
Mẫu số 01/SK |
- Các tài liệu minh chứng có liên quan như: văn bản đã được ban hành trên cơ sở sử dụng sáng kiến, văn bản xác nhận của các đơn vị đã áp dụng sáng kiến về nội dung, kết quả áp dụng, hiệu quả mang lại của sáng kiến...
- Hồ sơ bản cứng và bản điện tử được gửi về Thường trực Hội đồng sáng kiến. Bản điện tử được gửi theo định dạng sau:
+ Các file không được cài đặt mật khẩu, được định dạng theo chương trình soạn thảo văn bản Microsoft word và đồng nhất với hồ sơ gửi bằng văn bản.
+ Tên tệp tin điện tử của Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến được xác định thống nhất như sau: “X-Y-Z”. Trong đó:
X là năm xét, công nhận sáng kiến với 4 ký tự (VD: 2024, 2025...);
Y là tên đơn vị đề nghị xét, công nhận sáng kiến được ký tự theo bảng mã trong hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thuế (VD: Ban cải cách: CC; Cục Thuế Doanh nghiệp lớn: DNL,,...);
Z là số thứ tự sáng kiến được xác định bằng bộ số gồm 3 chữ số tự nhiên tăng dần (VD: 001; 015).
Ví dụ: 2024-DNL-001; 2024-CC-053...
Trường hợp có tài liệu kèm theo đề nghị đánh mã Phụ lục theo STT (ví dụ PL01, PL02,…..).
Đối tượng được công nhận là sáng kiến được quy định cụ thể tại Điều 15 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 928/QĐ-TCT năm 2024 bao gồm: giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (sau đây gọi chung là giải pháp).
- Giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định (ví dụ: quy trình công nghệ; quy trình dự báo, kiểm tra, giám sát, thẩm định...).
- Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và của Tổng cục Thuế, trong đó có:
+ Phương pháp tổ chức công việc (ví dụ: phương pháp tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực, phương tiện làm việc...).
+ Phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.
- Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các nghiệp vụ trong công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và của Tổng cục Thuế, trong đó có:
+ Xây dựng dự thảo các văn bản quản lý nhà nước cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn hoạt động của đơn vị, của Tổng cục Thuế, của Bộ Tài chính.
+ Xây dựng những cơ chế, chính sách, quy trình xử lý công việc mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ.
+ Xây dựng những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính.
+ Xây dựng các phương pháp tuyên truyền, tài liệu giảng dạy, đào tạo.
- Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn.
- Không xét công nhận sáng kiến trong các trường hợp sau đây:
+ Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng, đạo đức xã hội, trái với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trái với các quy định hiện hành của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
+ Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến.
+ Giải pháp trùng với nội dung sáng kiến đã được công bố, công nhận.
+ Giải pháp không phải của chính tác giả tạo ra mà sao chép của người khác.
Xem thêm Quyết định 928/QĐ-TCT có hiệu lực từ ngày 09/7/2024 thay thế Quyết định số 1088/QĐ-TCT năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy chế hoạt động sáng kiến ngành Thuế.
Võ Tấn Đại