Đề xuất quy định về kê biên nhà ở, phương tiện giao thông
Dự thảo Nghị định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sau đây gọi là Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 166/2013/NĐ-CP đang được dự thảo lấy ý kiến bởi Bộ Công an. Trong đó, Bộ Công an đề xuất các quy định chi tiết hướng dẫn việc kê biên nhà ở, phương tiện giao thông như sau:
(1) Kê biên nhà ở
- Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế và gia đình chỉ được thực hiện nếu nhà ở đó không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 22 Dự thảo Nghị định (Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú) và sau khi xác định tổ chức, cá nhân đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp người bị cưỡng chế đồng ý kê biên nhà ở để thi hành quyết định cưỡng chế.
- Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì người chủ trì việc kê biên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người bị cưỡng chế, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.
- Khi kê biên nhà ở của người phải thi hành án đang cho thuê, cho ở nhờ thì người chủ trì việc kê biên phải thông báo ngay cho người đang thuê, đang ở nhờ biết.
- Trường hợp tài sản kê biên là nhà ở, cửa hàng đang cho thuê được bán đấu giá mà thời hạn thuê hoặc thời hạn lưu cư vẫn còn thì người thuê có quyền tiếp tục được thuê hoặc lưu cư theo quy định của Bộ luật Dân sự.
- Việc kê biên nhà ở bị khóa được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Dự thảo Nghị định:
+ Khi kê biên đồ vật đang bị khóa hoặc đóng gói thì người tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế yêu cầu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khóa, mở gói; nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì người tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khóa, phá khóa hoặc mở gói, trong trường hợp này phải có người làm chứng. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải chịu thiệt hại do việc mở khóa, phá khóa, mở gói.
+ Trường hợp cần thiết, sau khi mở khóa, phá khóa, mở gói, người tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế niêm phong đồ vật bị kê biên.
+ Việc mở khóa, phá khóa, mở gói hoặc niêm phong phải lập biên bản, có chữ ký của người tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế, cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế và những người liên quan; trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không ký biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.
(2) Về kê biên phương tiện giao thông
- Trường hợp kê biên phương tiện giao thông của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế, người chủ trì việc kê biên yêu cầu người bị cưỡng chế, người đang quản lý, sử dụng phương tiện đó phải giao giấy đăng ký phương tiện đó (nếu có).
- Đối với phương tiện giao thông đang được khai thác sử dụng thì sau khi kê biên, người chủ trì việc kê biên có thể thu giữ hoặc giao cho người bị cưỡng chế, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng, bảo quản nhưng không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp.
- Trường hợp giao cho người bị cưỡng chế, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng phương tiện giao thông thì người chủ trì việc cưỡng chế cấp cho người đó biên bản thu giữ giấy đăng ký để phương tiện được phép tham gia giao thông.
- Người chủ trì việc kê biên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế giao thông đối với phương tiện bị kê biên.
- Việc kê biên đối với tàu bay, tàu biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu bay, tàu biển.
Trần Trọng Tín