Bãi bỏ Thông tư liên tịch 16/2014 về xử lý tài sản bảo đảm (Hình từ Internet)
Ngày 02/8/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 07/2024/TT-BTP bãi bỏ các thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên tịch ban hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Theo đó, sẽ bãi bỏ toàn bộ các thông tư liên tịch như sau:
- Thông tư liên tịch 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Bộ Giao thông vận tải - Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Công an ban hành.
- Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
Thông tư 07/2024/TT-BTP sẽ có hiệu lực từ ngày 02/08/2024.
Như vậy, Thông tư liên tịch 16/2014 về xử lý tài sản bảo đảm là một trong hai Thông tư liên tịch sẽ được bãi bỏ toàn bộ từ ngày 02/08/2024.
Được biết, Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn việc thu giữ, bán tài sản bảo đảm, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản sau khi xử lý tài sản bảo đảm nhưng không áp dụng đối với trường hợp xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động thi hành án dân sự.
Đơn cử về nội dung quy định về việc hướng dẫn yêu cầu hoàn trả tài sản bảo đảm đang bị cầm giữ trong hợp đồng song vụ để xử lý theo Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN như sau:
- Trường hợp tài sản thế chấp đang bị cầm giữ theo quy định tại Điều 416 Bộ luật Dân sự 2005 thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ đối với bên cầm giữ hoặc tự mình thực hiện nghĩa vụ đối với bên cầm giữ để nhận lại tài sản thế chấp. Sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp đã thực hiện xong nghĩa vụ thì bên cầm giữ có trách nhiệm giao lại tài sản theo thời hạn và địa điểm mà bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp yêu cầu.
Việc giao tài sản thế chấp phải được lập thành biên bản có chữ ký, con dấu (nếu có) của bên thế chấp và bên cầm giữ trong trường hợp bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ đối với bên cầm giữ hoặc có chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận thế chấp và bên cầm giữ trong trường hợp bên nhận thế chấp thực hiện nghĩa vụ đối với bên cầm giữ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp bên nhận thế chấp thực hiện nghĩa vụ đối với bên cầm giữ thì có quyền yêu cầu bên thế chấp hoàn trả giá trị nghĩa vụ đã thực hiện và các chi phí hợp lý phát sinh (nếu có) hoặc được tính vào giá trị nghĩa vụ của bên thế chấp khi xử lý tài sản thế chấp.
- Khi yêu cầu bên cầm giữ giao lại tài sản để xử lý, bên nhận thế chấp có trách nhiệm xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc hợp đồng thế chấp để chứng minh tài sản đó đang được dùng để thế chấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Trường hợp bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp đã thực hiện xong nghĩa vụ mà bên cầm giữ không giao tài sản dẫn đến thiệt hại cho bên nhận thế chấp thì bên cầm giữ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bên cầm giữ không giao tài sản hoặc không bồi thường thiệt hại thì bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc xử lý tài sản bảo đảm:
- Tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm và khoản 15 Điều 1 Nghị định 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP.
- Thực hiện các thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm đã được xác lập hợp pháp và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
- Không được cản trở, chống đối việc thu giữ hợp pháp tài sản bảo đảm; không được che giấu, tẩu tán tài sản bảo đảm hoặc trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm.