Quốc hội sắp ra Nghị quyết ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế

23/07/2011 11:11 AM

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, thực hiện các giải pháp này sẽ "góp phần hỗ trợ DN giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, người lao đọng bớt khó khăn, ổn định đời sống, từ đó có động lực yên tâm lao động sản xuất".

Khó khả thi

Chiều 21/7, Chính phủ có tờ trình Quốc hội ra Nghị quyết ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011, dự kiến thông qua ngay tại kỳ họp đầu tiên.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, thực hiện các giải pháp này sẽ "góp phần hỗ trợ DN giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, người lao đọng bớt khó khăn, ổn định đời sống, từ đó có động lực yên tâm lao động sản xuất".

Các giải pháp này "chỉ áp dụng cho những đối tượng gặp khó khăn, có thời hạn", tờ trình của Chính phủ ghi rõ.

Các đại biểu khóa 13 ở ngày họp đầu tiên, kỳ họp thứ nhất. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tán thành với đánh giá tình hình kinh tế VN năm 2011 có nhiều thách thức, khiến DN và người dân gặp khó, thế nhưng, UB Tài chính - Ngân sách có quan điểm khá thận trọng với đề xuất miễn, giảm, giãn thuế của Chính phủ.

Trong báo cáo thẩm tra, UB cho rằng cần "cân nhắc thận trọng" việc áp dụng các giải pháp, bởi mục tiêu của chính sách khó đạt hiệu quả cao.

Chủ nhiệm UB, ông Phùng Quốc Hiển lý giải, việc miễn thuế thu nhập cá nhân theo đề xuất của Chính phủ không tác động đến đa số người lao động và người làm công ăn lương. Số tiền thuế phải nộp ở bậc 1 không cao nên miễn thuế không mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho người nộp thuế, chỉ mang tính động viên.

Việc hỗ trợ thuế cho DN chưa hướng tới các DN thực sự cần hỗ trợ, không giải quyết được tận gốc khó khăn.

Ông Hiển phân tích, vấn đề lớn nhất hiện nay DN gặp phải là thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn vay và mức lãi suất vay quá cao. Mức miễn, giảm thuế lại không lớn. Đa số DN thực sự cần hỗ trợ lại nằm ngoài diện được hưởng ưu đãi về thuế theo phương án trình của CP, vì đó là các DN không có thu nhập.

"Khi đã không có thu nhập chịu thuế thì đương nhiên, không phải là đối tượng được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp".

Hơn nữa, việc lồng ghép nhiều chính sách xã hội vào chính sách thuế sẽ khó đảm bảo tính trung lập của thuế. Việc điều chỉnh thường xuyên các quy định về thuế sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách và hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc miễn, giảm thuế khó đảm bảo tính khả thi, thiếu chặt chẽ trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, gây vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.

Việc miễn giảm thuế không đi kèm các biện pháp kiểm soát hữu hiệu, các hình thức chế tài đủ mạnh thì sẽ dẫn tới giảm thu ngân sách, người dân không được hưởng lợi, ông Hiển nói.

Cân nhắc kỹ việc miễn thuế với cổ tức, chuyển nhượng chứng khoán

Với đề xuất miễn thuế đối với cổ tức từ đầu tư vào thị trường chứng khoán và góp vốn mua cổ phần DN cũng như chuyển nhượng chứng khoán cá nhân, ý kiến của UB Tài chính - Ngân sách có nhiều khác biệt.

Trong khi nhiều ý kiến đồng tình đề nghị miễn thuế với cổ tức, thì một số thành viên UB cho rằng, cần cân nhắc.

"Không nên coi lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư chứng khoán tương tự như lãi tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng".

Với việc chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân, UB cho rằng, việc miễn toàn bộ thuế "nên được cân nhắc kỹ", bởi chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận.

"Trường hợp thật cần thiết có thể giảm thuế với một tỉ lệ nhất định, không miễn toàn bộ… Việc miễn toàn bộ thuế là chưa công bằng với các lĩnh vực khác", ông Hiển nói.

Hơn nữa, lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán có giảm nhưng thuế đánh theo tỉ lệ phần trăm, nên cơ bản vẫn đảm bảo tính công bằng, hợp lý.

Lo giảm thu ngân sách

Theo tờ trình của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, tổng số thuế giãn năm 2011 khoảng 6.900 tỷ đồng (sẽ thu vào năm 2012), tổng số thuế miễn, giảm năm nay khoảng 4.200 tỷ đồng và năm 2012 là 2.200 tỷ.

Ông Ninh phân tích việc miễn, giảm thuế chủ yếu tác động đến thu ngân sách nhà nước năm 2011 và một phần năm 2012.

Chính phủ xác định các nguồn bù đắp ngân sách: tăng thu từ dầu thô, từ điều chỉnh chính sách đối với nhập khẩu một số mặt hàng xa xỉ để hạn chế nhập siêu, tăng thu từ thuế tài nguyên, từ các biện pháp chống thất thu, chuyển giá trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài…

Giảm thu ngân sách, thế nhưng sức lan tỏa chính sách không cao khi số lượng miễn, giảm chỉ bằng 1/10 so với năm 2009, số tiền giãn thuế chỉ bằng 1/3 so với số giãn năm 2009, ông Phùng Quốc Hiển lưu ý.

"Trong bối cảnh khai thác nguồn thu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc giảm thu cần được cân nhắc kỹ lưỡng", ông Hiển nói.

Phương Loan


Giữ nguyên cơ cấu lãnh đạo Quốc hội
Theo tờ trình, cơ cấu lãnh đạo Quốc hội khóa mới không đổi so với khóa trước, với 18 ủy viên Thường vụ và 4 Phó chủ tịch Quốc hội.
 
Chi 10,4% ngân sách cho quốc phòng, an ninh
Bộ trưởng Tài chính đề nghị QH phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2009, trong đó chi cho quốc phòng, an ninh 58.593 tỷ đồng, tức 10,4% tổng chi ngân sách.
 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,661

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079