Tiếp tục bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (Hình từ Internet)
Ngày 12/8/2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Theo nội dung trong Kết luận 91-KL/TW năm 2024 thì để đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo; đồng thời tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Triển khai chương trình đầu tư kiên cố hoá trường học, xoá phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 100%; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình đầu tư công hiện đại hoá giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo trên tinh thần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.
Cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch; có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng.
Xem thêm Kết luận 91-KL/TW ban hành ngày 12/8/2024.