Sớm hoàn thiện Nghị định chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo (Hình từ Internet)
Ngày 06/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp về tình hình xây dựng thể chế của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Tại Thông báo 383/TB-VPCP ngày 15/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long có ý kiến như sau:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng thể chế để bảo đảm tiến độ xây dựng và chất lượng, không để xảy ra tình trạng chậm muộn việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Phát huy vai trò của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó cần: xác định quan điểm, định hướng chủ thuyết về nội dung văn bản và tuân thủ thực hiện một cách nhất quán; xác định rõ nguồn văn bản giao nhiệm vụ, cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và các chỉ đạo của cấp trên; xác định đúng thẩm quyền, hình thức văn bản; phối hợp chặt chẽ, làm việc trực tiếp để lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan đối với những nội dung quan trọng, có tính chất đặc thù thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan đó.
- Về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ làm rõ những vấn đề còn vướng mắc để đề xuất giải pháp xử lý, hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ.
- Về dự thảo Nghị định quy định chính sách cho học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách: Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý chủ động rà soát các mức hỗ trợ cho các đối tượng của dự thảo Nghị định bảo đảm phù hợp, sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ.
- Về dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Nghị định 135/2018/NĐ-CP): Văn phòng Chính phủ trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung, hồ sơ dự thảo Nghị định, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ.
- Về dự thảo Đề án hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ động hoàn thiện Đề án sau khi có Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Trung ương; trong đó có trao đổi, thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về khả năng giới hạn phạm vi của Đề án theo lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm khả thi.
- Về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các đối tượng, quy định cụ thể của dự thảo Nghị định, trong đó rà soát lại bảo đảm chính xác nội dung liên quan trường hợp đặc thù (nếu có) để có chính sách phù hợp và sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ.
- Về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đại học Quốc gia: Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp các nội dung còn vướng mắc, chưa thống nhất, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, trước khi báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Chính phủ về định hướng đối với dự thảo Nghị định này.
- Về Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao: Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các đề án có liên quan (trong đó có Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng) để tránh trùng lắp và thiết kế nội dung có trọng tâm, trọng điểm.
- Về dự án Luật Nhà giáo: Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định về phụ cấp, chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để bảo đảm tính ưu việt, khả thi nhằm phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, khắc phục những bất cập trong chính sách, thể hiện được chủ trương của Đảng, Nhà nước coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.
- Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi: Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nắm tổng thể các yêu cầu xây dựng các Nghị quyết có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, phức tạp phát sinh trong quá trình xây dựng Nghị quyết.