Đề xuất quy định chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự (Hình từ internet)
Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự nhằm hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Cụ thể, tại Điều 35 của dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, đã đề xuất quy định về chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự như sau:
(1) Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự là khoản tiền mà người có nghĩa vụ nộp quy định tại (4) và (5) phải chi trả cho việc thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự bao gồm phí, lệ phí và chi phí thực tế.
(2) Căn cứ nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự cụ thể, chi phí thực tế thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
- Chi phí dịch thuật, công chứng, chứng thực hồ sơ tương trợ tư pháp về dân sự;
- Chi phí tống đạt giấy tờ hồ sơ tương trợ tư pháp về dân sự ở nước ngoài;
- Chi phí thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước ngoài;
- Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp theo phương thức mà cơ quan, người có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu;
- Chi phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia liên quan.
(3) Căn cứ nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp cụ thể, chi phí thực tế thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
- Chi phí thu thập, cung cấp chứng cứ;
- Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự theo phương thức mà Cơ quan, người có thẩm quyền nước ngoài yêu cầu;
- Chi phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(4) Người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam bao gồm:
- Người có nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí, chi phí tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài làm phát sinh tương trợ tư pháp về dân sự.
(5) Người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam.
Trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự, người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài không phải nộp phí, lệ phí tương trợ tư pháp về dân sự.
Tại Điều 12 dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, cũng đã đề xuất quy định về văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam như sau:
- Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam phải có các nội dung sau đây:
+ Ngày, tháng, năm và địa điểm lập văn bản;
+ Tên, địa chỉ cơ quan, người yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự;
+ Tên, địa chỉ cơ quan, người được yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự;
+ Tên đầy đủ, địa chỉ và thông tin liên hệ của đương sự;
+ Mục đích, công việc, các tình tiết liên quan, trích dẫn điều luật có thể áp dụng, các biện pháp để thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự;
+ Cam kết về bảo vệ người làm chứng, người giám định theo quy định tại Điều 9 của Luật này.
- Chính phủ quy định chi tiết về mẫu Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam.
Xem thêm nội dung tại dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.