Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm (Hình từ Internet)
Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học... với quy mô hàng nghìn suất ăn. Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể nêu trên, tại Công văn 5411/BYT-ATTP ngày 12/9/2024, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:
- Tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định của Pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học...
- Tổ chức diễn tập và chuẩn bị các phương án xử lý, khắc phục hậu quả, sơ cứu, vận chuyển, cấp cứu cho các bệnh nhân cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tại các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng bếp ăn tập thể.
- Hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trên địa bàn xây dựng phương án phòng chống và xử lý khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và tự tổ chức diễn tập tình huống ngộ độc thực phẩm đông người tại cơ sở.
Trước đó, tại Công văn 2316/ATTP-NĐTT ngày 10/9/2024, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công điện 1116/CĐ-BYT ngày 08/9/2024 về việc chủ động khắc phục hậu quả sau bão số 3, căn cứ tình hình thực tế đối với đợt mưa lũ lớn gây ngập úng trên diện rộng, sạt lở đất gây chia cắt, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 thực hiện các nội dung sau:
- Đối với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt, có phương án đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn. Khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như: lương khô, mỳ gói, nước uống đóng chai…
- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.
- Chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng, các cơ sở điều trị và trạm y tế tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng. Khi phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hoá, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý ngay, hạn chế tối đa ảnh hướng đến sức khoẻ người dân.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.