Hướng dẫn giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới nhất (Hình từ Internet)
Ngày 16/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 61 Nghị định 115/2024/NĐ-CP thì việc giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như sau:
- Việc giám sát hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 86 Luật Đấu thầu 2023 được thực hiện lồng ghép với hoạt động giám sát dự án đầu tư hoặc giám sát tổng thể đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan đăng ký về đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Thẩm quyền giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế chủ trì, tổ chức giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án do mình là người có thẩm quyền hoặc thuộc lĩnh vực quản lý;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, tổ chức giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án do mình là người có thẩm quyền trên địa bàn quản lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại địa phương mình.
- Nội dung giám sát lựa chọn nhà đầu tư:
+ Công bố dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư); lập, phê duyệt, công bố thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư);
+ Lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu;
+ Đánh giá hồ sơ dự thầu;
+ Thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
+ Kết quả đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
- Hết thời hạn hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư giám sát dự án đầu tư hoặc giám sát tổng thể đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các cam kết trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Nội dung kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 60 Nghị định 115/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư;
- Công bố dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư); lập, phê duyệt, công bố thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư);
- Lập, phê duyệt hồ sơ mời quan tâm; đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, phê duyệt kết quả mời quan tâm;
- Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
- Nội dung hợp đồng đã ký kết và việc tuân thủ các căn cứ pháp lý trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng;
- Các nội dung cần thiết khác.
Xem thêm Nghị định 115/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 16/9/2024.
Kể từ ngày Nghị định 115/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các Nghị định sau đây hết hiệu lực thi hành:
- Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư;
- Điều 89 Nghị định 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.