Vì sao thiếu văcxin ngừa thủy đậu?

15/05/2014 10:41 AM

Văcxin ngừa thủy đậu đã hết từ tháng 10-2013 và kéo dài đến nay, trong khi số ca mắc thủy đậu đang tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013 và tiếp tục có nguy cơ bùng phát, gây bức xúc trong xã hội.

Ông Đặng Tuấn Đạt, giám đốc Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), một trong số ba nhà cung cấp văcxin thủy đậu ở VN, cho biết:


Ông Đặng Tuấn Đạt - Ảnh: T.Anh

- Từ đầu tháng 5 tới nay chúng tôi đã cung cấp văcxin ngừa thủy đậu ra thị trường, từ lô văcxin gần 80.000 liều đã được cấp phép nhập khẩu hồi tháng 2. Đây là văcxin do Hàn Quốc sản xuất, nhưng nhiều người quen dùng văcxin của Bỉ.

Năm vừa rồi nhà sản xuất văcxin thủy đậu của Bỉ đưa văcxin thủy đậu vào thành phần văcxin 4 trong 1 cung cấp ra thị trường thế giới, song khi cung cấp họ lại thấy nhu cầu văcxin riêng rẽ nhiều hơn nên muốn quay lại dây chuyền cũ phải mất sáu tháng và hi vọng cuối năm nay mới có thể cung cấp trở lại văcxin thủy đậu đơn được.

Từ cuối năm 2013, chúng tôi đã đặt hàng với nhà sản xuất văcxin thủy đậu Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu văcxin thủy đậu của toàn thế giới năm nay đều tăng. Cùng lúc 3/5 loại văcxin thủy đậu có số đăng ký lưu hành đều hết hạn visa nên xảy ra trường hợp đợi visa mới hay xin quota nhập khẩu chuyến. Đầu năm 2014, chúng tôi đã xin quota với Cục Quản lý dược nhưng đến giữa tháng 2 mới được cấp phép.

* Là nhà sản xuất văcxin lớn nhất cho chương trình tiêm chủng mở rộng ở VN, ông có nghĩ đến việc chủ động sản xuất văcxin thủy đậu để tránh chuyện thiếu văcxin không?

- Văcxin thủy đậu là loại văcxin có hiệu suất thấp, một mẻ văcxin có khi chỉ 20.000-30.000 liều, trong  khi sản xuất các văcxin khác thông thường phải đạt 500.000-1 triệu liều/mẻ. Chúng tôi từng nghĩ đến việc sản xuất văcxin ngừa thủy đậu, nhưng hiệu suất sản xuất thấp cũng là một cản trở. Vấn đề của VN là các cơ sở tiêm chủng không bao giờ dự trù nhu cầu để đặt hàng trước, mà người dân thì nhu cầu tiêm chủng luôn tăng cao khi dịch đã xảy ra! Trong khi sản xuất văcxin bao giờ cũng phải đặt hàng trước sáu tháng.

* Với tình hình dịch thủy đậu như hiện nay, ông đánh giá nhu cầu văcxin trong năm nay như thế nào và khả năng cung cấp văcxin có đủ theo nhu cầu?

- Thông thường có ba nhà cung cấp văcxin thủy đậu ở VN và nhu cầu là 100.000 liều/năm, nhưng năm nay do tình hình kể trên thì chúng tôi là nhà cung cấp duy nhất, trong khi năm nay nhu cầu văcxin tăng đột biến lên 150.000-200.000 liều. Với tình hình này, chúng tôi đang đặt mục tiêu đáp ứng cao nhất, trước hết từ lô gần 80.000 liều đã nhập khẩu và kiểm định xong.

Lịch tiêm ngừa thủy đậu là khi trẻ trên 1 tuổi, nhưng vẫn có trường hợp đã tiêm chủng vẫn mắc bệnh, tuy nhiên biểu hiện bệnh nhẹ hơn và từ năm 2007 Mỹ đã khuyến cáo ngừa thủy đậu hoàn toàn thì nên tiêm ngừa hai mũi. Năm nay đúng là nhiều rắc rối về thiếu văcxin, trong đó có cả văcxin 5 trong 1 dịch vụ và một phần cũng do nhu cầu tiêm ngừa tăng cao và việc dự trù không đáp ứng đủ nhu cầu.

* Dịch bệnh sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều người dân khi có dịch mới đi tiêm phòng. Theo ông, phòng bệnh chủ động hiện nay như thế nào là hiệu quả?

- Thực tế từng xảy ra những vụ dịch thiếu văcxin, như năm 2011 có dịch rubella, hay 2012 xảy ra dịch viêm não do não mô cầu và nhu cầu tiêm ngừa tăng lên đột biến, văcxin cũng hết hàng. Năm nay cùng lúc là văcxin thủy đậu, 5 trong 1, 6 trong 1, 3 trong 1 hết hàng.

Trong số các bệnh lý thường gặp, người dân thường ngại các bệnh liên quan đến não, và văcxin ngừa viêm não do não mô cầu hết nhanh cũng vì nguyên nhân đó. Phòng bệnh chủ động, theo tôi, là nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng. Nhưng có tình trạng người dân thường không tuân thủ lịch tiêm chủng, mùa dịch sởi vừa qua rất nhiều bé đã 9-10 tuổi mà cha mẹ cho biết chưa tiêm mũi nào!

* Vậy theo ông, có chuyện chậm trễ, không điều phối, dự báo tình hình dịch sớm hay không?

- Tôi nghĩ cơ quan quản lý mới quan tâm nhiều đến chương trình tiêm chủng mở rộng, mảng văcxin dịch vụ thì chưa chú trọng nhiều. Nếu không chú ý điều phối, tổ chức, quản lý tiêm chủng với văcxin dịch vụ thì dần dần người dân sẽ không an tâm vào loại hình này. Trong khi hiện có văcxin phòng 30 bệnh, nhưng tiêm chủng mở rộng chỉ có văcxin phòng 11 bệnh thôi. Vì thế rất nên có những tờ hướng dẫn khuyến cáo người dân để họ biết tuổi nào tiêm văcxin gì, đi du lịch hay đi làm ở vùng dịch cần tiêm văcxin như thế nào...

VN dự kiến sản xuất văcxin ho gà vô bào từ bán thành phẩm

Theo ông Đặng Tuấn Đạt, có thể công ty này sẽ nhập bán thành phẩm văcxin ho gà vô bào về sản xuất văcxin 5 trong 1, như văcxin Quinvaxem (nhưng thành phần ho gà trong Quinvaxem là ho gà toàn tế bào, dễ gây dị ứng hơn thành phần ho gà vô bào). Theo ông Đạt, dự kiến chi phí xuất xưởng của văcxin 5 trong 1 với thành phần ho gà vô bào từ 100.000-150.000 đồng/liều (trong khi Quinvaxem đang được bán cho chương trình tiêm chủng mở rộng VN với giá trên 70.000 đồng/liều).

Cũng theo ông Đạt, Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 đã nghiên cứu sản xuất văcxin ngừa Hib, văcxin duy nhất trong chương trình tiêm chủng mà VN chưa sản xuất được. VN cũng đang tiến tới đưa thêm văcxin ngừa tiêu chảy do rota virus và viêm phổi do phế cầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng bởi đây là hai bệnh có tỉ lệ mắc và tử vong cao ở VN.

LAN ANH thực hiện

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,761

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079