Đề xuất mới về danh mục ngành nghề hưởng chính sách khuyến công (Hình từ internet)
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công.
Cụ thể, tại khoản 9 Điều 1 dự thảo Nghị định, đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 45/2012/NĐ-CP về Danh mục ngành, nghề, lĩnh vực được hưởng chính sách khuyến công như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 45/2012/NĐ-CP đầu tư, sản xuất vào các ngành, nghề, lĩnh vực sau đây được hưởng chính sách khuyến công theo các nội dung quy định tại Điều 4 Nghị định 45/2012/NĐ-CP:
- Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; sản xuất và chế biến thực phẩm.
- Công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu.
- Công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp. Sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thân thiện với môi trường.
- Công nghiệp cơ khí; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững;
- Ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cần được bảo tồn và phát triển.
- Áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; hoạt động phát triển cụm công nghiệp và di dời các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm tại các làng nghề, khu dân cư vào cụm công nghiệp.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
(2) Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác khuyến công trong từng thời kỳ, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề, lĩnh vực được hưởng các chính sách quy định tại (1) thuộc trên.
Hiện hành, tại Điều 5 Nghị định 45/2012/NĐ-CP đang quy định về Danh mục ngành, nghề được hưởng chính sách khuyến công như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân quy định tại các Điểm a và b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 45/2012/NĐ-CP đầu tư sản xuất vào các ngành, nghề sau đây được hưởng các chính sách khuyến công theo các nội dung quy định tại Điều 4 Nghị định 45/2012/NĐ-CP:
- Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm.
- Sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu.
- Công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất vật liệu xây dựng.
- Sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học. Sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ.
- Sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp.
- Khai thác, chế biến khoáng sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
(2) Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác khuyến công trong từng thời kỳ, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề được hưởng các chính sách quy định tại (1) thuộc trên.
Xem thêm nội dung tại dự thảo Nghị định.
Chương trình khuyến công quốc gia là tập hợp các nội dung, nhiệm vụ về hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương trong từng giai đoạn (thường là 05 năm) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, lao động ở các địa phương.
(khoản 1 Điều 2 Nghị định 45/2012/NĐ-CP)
Mục tiêu của hoạt động khuyến công hiện nay bao gồm:
- Động viên và huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
- Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
(Điều 3 Nghị định 45/2012/NĐ-CP)