Tại Điều 5 Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nêu rõ:
“Tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp; bảo đảm nguyên tắc để các cơ quan, đơn vị này tự sắp xếp bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định; ngân sách nhà nước không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này”.
Quy định về tỷ lệ trích lập nguồn cải cách tiền lương 2024 với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn tại TPHCM (Hình từ internet)
Nghị quyết 18/2024/NQ-HĐND quy định về tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn do TPHCM quản lý được thông qua ngày 27/9/2024 (có hiệu lực từ ngày 07/10/2024).
Đối tượng áp dụng của Nghị quyết 18/2024/NQ-HĐND là các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện chi trả chính sách theo Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Nghị quyết 98/2023/QH15.
Theo đó, tỷ lệ trích lập nguồn cải cách tiền lương 2024 với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn tại TPHCM như sau:
(1) Tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương thực hiện như sau:
(1.1) Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư:
Trích 35% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác.
Trích 40% số thu được để lại theo quy định với các khoản thu khác ngoài các khoản thu trích 35% nêu trên.
(1.2) Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên:
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) có mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên từ 120% trở lên: trích 16% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dịch vụ y tế khác và thu khác.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) có mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên dưới 120% và các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn lại: trích 10% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dịch vụ y tế khác và thu khác.
Ngân sách nhà nước bố trí phần chênh lệch thiếu để chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù từ nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi các đơn vị đã thực hiện trích lập nguồn cải cách tiền lương theo điểm (1.1) và (1.2) nêu trên cộng với các nguồn cải cách tiền lương khác theo quy định để thực hiện điều chỉnh tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các nội dung chi phải sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương theo quy định pháp luật hiện hành và chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND.
(2) Trường hợp đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các nội dung chi phải sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương theo quy định pháp luật hiện hành và chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND mà không đề xuất ngân sách nhà nước cấp để thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND trong suốt thời gian thực hiện cơ chế đặc thù thi đơn vị được quyết định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương theo nhu cầu của đơn vị.
(3) Các đơn vị xác định phạm vi trích lập nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu được để lại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở hàng năm.
(4) Thời gian áp dụng: từ năm tài chính 2024.