Đề xuất điều kiện tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân mới nhất (Hình từ internet)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân. Dự kiến sẽ thay thế Thông tư 23/2018/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân.
Cụ thể, dự thảo Thông tư này đã đề xuất các quy định về:
- Điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân dưới các hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
- Hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động (sau đây gọi là Giấy phép) của quỹ tín dụng nhân dân.
- Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Dự kiến áp dụng đối với Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức lại, thu hồi Giấy phép, thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân.
Trong đó, đối với quy định về điều kiện tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân, thì tại Điều 8 dự thảo Thông tư đã đề xuất các điều kiện như sau:
(1) Có phương án tổ chức lại khả thi, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên có liên quan, được xây dựng và thông qua theo quy định tại Điều 12 dự thảo Thông tư.
(2) Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện tổ chức lại (bao gồm cả quỹ tín dụng nhân dân chưa phải kiểm toán độc lập hằng năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng) phải có báo cáo tài chính của năm liền kề đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ, trừ quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
Trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận nguyên tắc chưa có báo cáo tài chính của năm liền kề được kiểm toán, quỹ tín dụng nhân dân thực hiện tổ chức lại nộp báo cáo tài chính chưa được kiểm toán và phải nộp báo cáo tài chính được kiểm toán ngay sau khi tổ chức kiểm toán phát hành báo cáo kiểm toán. Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện tổ chức lại phải chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo tài chính đã nộp.
(3) Quỹ tín dụng nhân dân sau khi tổ chức lại phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ góp vốn của thành viên; địa bàn hoạt động; nội dung hoạt động; cơ cấu tổ chức, quản lý; tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc, Giám đốc chi nhánh (Phòng giao dịch); các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động và bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định.
(4) Đối với trường hợp chia, tách quỹ tín dụng nhân dân, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại (1), (2) và (3), quỹ tín dụng nhân bị chia, tách phải thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có tổng tài sản ở mức trên 500 tỷ đồng tại thời điểm đề nghị;
- Thuộc các trường hợp phải xử lý địa bàn hoạt động là các xã không liền kề với xã nơi đặt trụ sở chính theo quy định tại Thông tư 29/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quỹ tín dụng nhân dân.
Hiện hành, tại Điều 8 Thông tư 23/2018/TT-NHNN đang quy định về yêu cầu đối với việc tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân như sau: - Phương án tổ chức lại có tính khả thi, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên có liên quan, được xây dựng và thông qua theo quy định tại Điều 12 Thông tư 23/2018/TT-NHNN. - Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện tổ chức lại (bao gồm cả quỹ tín dụng nhân dân không phải kiểm toán độc lập hằng năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng) phải có báo cáo tài chính của năm liền kề đã được kiểm toán, trừ quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt. - Quỹ tín dụng nhân dân sau khi tổ chức lại phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ góp vốn của thành viên; địa bàn hoạt động; phạm vi, nội dung hoạt động; tiêu chuẩn đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc; các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động. |
Xem thêm nội dung tại dự thảo Thông tư.