Đề xuất quy định dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam

04/11/2024 10:30 AM

Ngân hàng Nhà nước đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.

Đề xuất quy định dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam

Cụ thể, theo Tờ trình của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam, đã đánh giá Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money) sau hơn 03 năm triển khai đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Căn cứ báo cáo của 3 doanh nghiệp thực hiện thí điểm về phát triển khách hàng tính đến cuối tháng 9/2024, tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money là hơn 9,8 triệu tài khoản (Viettel chiếm 73%, VNPT-Media chiếm 21%, MobiFone chiếm 6%), trong đó số lượng tài khoản của khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 7,1 triệu tài khoản (chiếm gần 72% tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Tuy nhiên, dịch vụ Mobile-Money đang được các đơn vị tổ chức triển khai theo hình thức thí điểm với căn cứ là Quyết định 316/QĐ-TTg, do đó, để chính thức đưa dịch vụ này chính thức trở thành một hình thức thanh toán hợp pháp, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho dịch vụ này bằng một Nghị định, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Đề xuất quy định dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam

Đề xuất quy định dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam (Hình từ internet)

05 chính sách nổi bật trong đề xuất xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.

(1) Chính sách 1: Chính sách về phạm vi điều chỉnh của Nghị định

- Tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money nhằm hạn chế rủi ro và sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

- Quy định cụ thể về phạm vi áp dụng của Nghị định quy định về dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam (dịch vụ Mobile-Money), không bao gồm các dịch vụ thanh toán khác.

(2) Chính sách 2: Chính sách về đối tượng áp dụng và phạm vi cung ứng dịch vụ

- Mở rộng, cho phép các đối tượng khách hàng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi người dân chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính (unbanked) và mạng lưới ngân hàng chưa thể vươn tới có thể sử dụng dịch vụ; tiết kiệm đáng kể chi phí và gia tăng trải nghiệm khách hàng sử dụng dịch vụ.

- Tận dụng hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

- Sử dụng tài khoản Mobile-Money có thể góp phần loại bỏ dần việc sử dụng thẻ cào viễn thông trong nền kinh tế, tiết kiệm chi phí xã hội cho việc in ấn, sử dụng thẻ cào viễn thông; cũng như tránh việc lợi dụng, sử dụng cho các mục đích thanh toán bất hợp pháp; kiểm soát, không để phát sinh lượng tiền tệ từ việc sử dụng thẻ cào, đảm bảo ổn định an ninh, tiền tệ quốc gia.

(3) Chính sách 3: Chính sách về mở và sử dụng tài khoản Mobile-Money

Trong quá trình thực hiện thí điểm, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm kiến nghị NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an xem xét, điều chỉnh một số quy định liên quan đến dịch vụ Mobile-Money (trong đó có kiến nghị nâng hạn mức giao dịch của tài khoản Mobile-Money) để có thể mở rộng dịch vụ và đáp ứng được nhu cầu thanh toán của người dân.

(4) Chính sách 4: Chính sách về hồ sơ, trình tự thủ tục, điều kiện cung ứng dịch vụ Mobile-Money

- Việc thanh toán qua tài khoản Mobile-Money có thể tiềm ẩn những rủi ro nhất định, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và quyền lợi của khách hàng, có tính lan truyền và có thể gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đạo đức xã hội. Theo đó, hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money cần phải được cấp phép và phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh nhất định để đảm bảo tính đồng bộ về pháp luật, tạo sân chơi công bằng cho các chủ thể tham gia vào cung ứng dịch vụ.

- Phục vụ mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện đến người dân tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam nơi mạng lưới của các tổ chức tài chính - ngân hàng khó tiếp cận, người dân không có tài khoản ngân hàng có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán cũng như bảo vệ quyền lợi và tài sản của khách hàng.

(5) Chính sách 5: Chính sách về trách nhiệm của các bên liên quan

Dịch vụ Mobile-Money là dịch vụ mới, được cung ứng trên nền tảng công nghệ. Theo đó, dịch vụ có những tiềm ẩn rủi ro nhất định.

Các doanh nghiệp viễn thông cung ứng dịch vụ Mobile-Money thuộc quản lý của nhiều Bộ, cơ quan liên quan (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, NHNN). Theo đó, cần pháp lý hóa quy định về trách nhiệm trong quản lý đối với dịch vụ này để đảm bảo việc cung ứng dịch vụ được an toàn, hiệu quả.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ sẽ phát sinh các mối quan hệ với đơn vị chấp nhận thanh toán, điểm kinh doanh, khách hàng... Theo đó, cần có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ để đảm bảo giảm thiểu các rủi ro có thể phát sinh.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thí điểm, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm kiến nghị NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an xem xét, điều chỉnh một số quy định liên quan đến dịch vụ Mobile-Money (trong đó có kiến nghị về lựa chọn và quản lý điểm kinh doanh, đơn vị chấp nhận thanh toán) để có thể mở rộng dịch vụ và đáp ứng được nhu cầu thanh toán của người dân.

Chia sẻ bài viết lên facebook 106

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079