Cập nhật Dự thảo Luật Việc làm mới nhất (Dự thảo 5)
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã công bố Dự thảo Luật Việc làm mới nhất (Dự thảo 5).
Cụ thể Dự thảo Luật Việc làm mới nhất sẽ bao gồm 09 chương và 130 điều luật, cụ thể cấu trúc như sau:
- Chương I. Những quy định chung
- Chương II. Chính sách hỗ trợ tạo việc làm
+ Mục 1: Cho vay giải quyết việc làm
+ Mục 2: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm
+ Mục 3: Cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
+ Mục 4: Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn
+ Mục 5: Chính sách lao động
+ Mục 6: Chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên
+ Mục 7: Chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi
+ Mục 8: Các chính sách hỗ trợ khác
- Chương III. Đăng ký và quản lý lao động
- Chương IV. Hệ thống thông tin thị trường lao động
- Chương V. Phát triển kỹ năng nghề
- Chương VI. Dịch vụ việc làm
- Chương VII. Bảo hiểm thất nghiệp
+ Mục 1: Nguyên tắc, đối tượng, chế độ bảo hiểm thất nghiệp
+ Mục 2: Tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp
+ Mục 3: Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động
+ Mục 4: Trợ cấp thất nghiệp
+ Mục 5: Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
+ Mục 6: Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
+ Mục 7: Hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật
+ Mục 8: Quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp
+ Mục 9: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
+ Mục 10: Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp
- Chương VIII. Quản lý nhà nước về việc làm
- Chương IX. Điều khoản thi hành
Theo Điều 6 Dự thảo Luật Việc làm mới nhất, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, xu hướng tình dục, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
- Xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; thực hiện hành vi bạo lực hoặc quấy rối dưới mọi hình thức.
- Tuyển dụng, sử dụng người lao động vào làm việc trái quy định của pháp luật.
- Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện chính sách về việc làm, dịch vụ việc làm, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Cản trở, gây khó khăn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
- Lợi dụng giao dịch việc làm xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Truy cập, khai thác, cung cấp cơ sở dữ liệu về người lao động trái pháp luật; đăng ký, báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về tình trạng việc làm.