Chỉ thiết kế 2 mức đánh giá trên phiếu tín nhiệm

18/06/2014 15:55 PM

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, kết quả xin ý kiến về việc sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm, đa số đại biểu đề nghị lấy phiếu 2 lần/nhiệm kỳ, phiếu tín nhiệm chỉ thiết kế ở 2 mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp…

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 18/6, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, căn cứ theo ý kiến đại biểu, Quốc hội sẽ quyết định lấy phiếu tín nhiệm với mỗi cá nhân 2 lần/nhiệm kỳ, vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ.

Việc thay đổi theo hướng tăng tần suất lấy phiếu, từ 1 lần/nhiệm kỳ như phương án UB Thường vụ Quốc hội trình xin ý kiến lên 2 lần/nhiệm kỳ, theo bà Nương, là để những người được lấy phiếu phiếu có điều kiện thể hiện hết các khả năng của mình, cũng để Quốc hội, HĐND giám sát việc thực hiện chức trách của người được lấy phiếu thường xuyên hơn.


Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 18/6.

Cũng từ việc tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm dự kiến sẽ được chỉnh lại, chỉ ghi 2 mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. 2 mức tín nhiệm để phân biệt rõ, “đong đếm” cụ thể việc các chức danh sau khi được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào vị trí thực thi nhiệm vụ thì tín nhiệm sau một thời gian hoạt động thực tế còn như trước hay không.

Bà Nương phân tích, việc này sẽ giúp phân biệt rõ hơn mức tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp của mỗi người.

Cùng với hướng thay đổi này, việc xử lý về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ thay đổi, hướng cụ thể, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng cần phải bàn thêm.

Dự kiến, người có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% thì trước hết là có quyền xin từ chức. Khi đó, các cơ quan quản lý cán bộ sẽ phải có quyết định bố trí, sử dụng cán bộ cho hợp lý hơn. Trường hợp chức danh có số phiếu tín nhiệm thấp quá cao (quá 2/3 số phiếu) thì có lẽ phải tổ chức chuyển sang quy trình bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp có hoạt động lấy phiếu.

Trả lời câu hỏi, việc lấy 2 mức có mâu thuẫn với chủ trương đã quán triệt về việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng khi có những người lấy trong Đảng thì phiếu tín nhiệm cao nhưng ra Quốc hội kết quả lại thấp, bà Nương lý giải, Quốc hội phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến đại biểu – đại diện của cử tri và nhân dân.

“Vấn đề là ta phải vừa thực hiện Nghị quyết của TƯ, thực hiện chủ trương của Đảng vừa phải làm theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để quy định cho phù hợp” – bà Nương nói.

Về đối tượng lấy phiếu, Trưởng Ban Công tác đại biểu xác nhận, dù có nhiều ý kiến góp ý khác nhau nhưng về cơ bản, dự thảo Nghị quyết sửa đổi giữ nguyên như Nghị quyết 35. Các đối tượng khác như Giám đốc Sở, trưởng các cơ quan chuyên môn không phải là thành viên UBND, theo bà Nương, ngoài Nghị quyết số 35, còn có quy định số 165 của TƯ để “quét” việc lấy phiếu tại cơ sở với các đối tượng này.

Về quy trình trình lại dự thảo, bà Nương cho biết, trước hết, UB Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội  về kết quả xin ý kiến đại biểu, hướng chỉnh lý dự thảo để Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp thứ 7 này. Theo đó, nếu Quốc hội thông qua, việc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 vẫn sẽ được tiến hành vào kỳ họp cuối năm nay.

P.Thảo

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,577

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079