Người bị phạt kêu oan

17/06/2014 08:27 AM

Chưa đầy 1 tháng đưa vào sử dụng hệ thống camera kiểm soát giao thông trên các tuyến đường tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhiều người bị xử phạt cho rằng việc xác định lỗi chưa chính xác

Anh Phạm Thanh Trình, tài xế của Công ty ABA Miền Đông (công ty vận tải, trụ sở tại tỉnh Bình Dương), cho biết trưa 26-5, anh lái xe tải nhẹ chở hàng đông lạnh từ siêu thị Metro trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Quang Vinh, TP Biên Hòa), khi chạy về phía cầu Hóa An khoảng 200 m rồi vòng lại được khoảng 400 m theo lộ trình thì bị CSGT thổi còi và lập biên bản xử phạt lỗi quá tốc độ với vận tốc lên đến 84 km/giờ. “Tôi không tin kết quả của hệ thống báo lỗi tự động” - anh Trình nói.

Thông số lệch nhau

Như thường lệ, một ngày anh Trình chạy khoảng 2-3 chuyến chở hàng trao đổi từ Metro Đồng Nai về Bình Dương. Hôm đó, xe anh chạy đến trước trụ sở Công an TP Biên Hòa (ở trung tâm TP) thì bị CSGT ra hiệu lệnh dừng và lập biên bản xử phạt. Theo kết quả xử lý, phân tích lỗi của hệ thống camera tự động thì xe anh chạy với tốc độ lên đến 84 km/giờ, vượt quá tốc độ tối đa cho phép đến 34 km/giờ (tốc độ tối đa cho phép là 50 km/giờ). Quá bất ngờ, anh Trình trình bày, khiếu nại tại chỗ nhưng không thay đổi được gì trước kết quả đưa ra “giấy trắng, mực đen”.


Hình ảnh giao thông ở các khu vực “nóng” của TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đều được theo dõi qua màn hình lớn ở trung tâm kiểm soát

Do không tin tưởng, anh Trình thu thập các thông số, dữ liệu liên quan đến hành trình để tiếp tục khiếu nại. Theo đó, anh nhờ trích xuất dữ liệu quản lý hành trình qua mạng mà công ty đã thuê trước đó. Hệ thống dịch vụ này quản lý vận hành vận tải bằng cách sử dụng hộp đen GPS kết hợp với công nghệ truyền dữ liệu không dây (GPRS) và bản đồ số (GIS) giúp quản lý hành trình, phương tiện, tài sản cho các đơn vị doanh nghiệp hoạt động liên quan đến vận tải. Kết quả của hệ thống này cho ra những thông số hoàn toàn khác. Trên sơ đồ (và cả bản đồ chi tiết) báo rõ ngày tháng, địa điểm, biển số xe, thời gian dừng và đỗ (chi tiết đến từng giây), trong đó vận tốc lớn nhất mà xe của anh Trình vận hành chưa đến 50 km/giờ.

Anh Nguyễn Đăng Thái cũng là tài xế xe tải chở hàng đông lạnh với hành trình như trên. Đầu giờ chiều 10-6, xe của anh bị tổ CSGT lập biên bản xử phạt lỗi chạy quá tốc độ với vận tốc 68/50 km/giờ. Cũng sử dụng hệ thống quản lý hành trình qua mạng để đối chiếu, anh Thái nhận được kết quả thời điểm đó, vận tốc xe của anh chạy nhanh nhất chỉ 32 km/giờ. “Chúng tôi muốn kiểm tra lại để làm rõ chứ lương tài xế 4 triệu đồng/tháng mà mỗi lần bị phạt lỗi quá tốc độ phải nộp từ 2-5 triệu đồng thì khổ lắm!” - anh Thái than thở.

Không chỉ tài xế xe tải, anh Nguyễn Quên, một người điều khiển xe máy, cũng phản ánh vào đầu tháng 6 đã bị thổi phạt vì vượt quá tốc độ ở khu vực trên nhưng không chính xác. “Xe tôi mới mua, còn đồng hồ đo tốc độ, lại vừa đi vừa nói chuyện trong nội ô nên không thể chạy nhanh được. Thêm nữa, người bạn đi xe cạnh tôi lại không bị báo lỗi…” - anh Quên nói.

Hàng đắt tiền nên... chính xác!

Hệ thống camera tự động theo dõi và phân tích lỗi ngay trên máy được Công an tỉnh Đồng Nai đưa vào sử dụng từ ngày 20-5 (Báo Người Lao Động đã thông tin). Theo đơn vị này, hệ thống camera tự động sẽ giúp CSGT xử phạt cả “nóng” và “nguội” các hành vi vi phạm của người đi đường, đồng thời xử lý nhanh các tình huống giao thông xảy ra tại tất cả điểm nóng trên toàn TP Biên Hòa. Tổng kinh phí cho toàn bộ dự án này là 92 tỉ đồng.

Trao đổi với chúng tôi về các trường hợp bị xử phạt, thiếu tá Trần Trọng Thủy, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Biên Hòa, cho biết tất cả trường hợp bị CSGT lập biên bản xử phạt đều có thể khiếu nại trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận khiếu nại, đơn vị chịu trách nhiệm sẽ tiến hành kiểm tra làm rõ và trả lời. Riêng với các trường hợp phản ánh nêu trên, các bộ phận thuộc CSGT TP Biên Hòa đã tiến hành kiểm tra bước đầu và xác định việc định vị, xác định lỗi là chính xác. Qua camera ghi hình và phân tích lỗi ngay tại thời điểm đó cho thấy các xe vi phạm khá rõ ràng. Như vậy, việc lập biên bản xử phạt là hoàn toàn có cơ sở chính xác. “Ngay lúc hệ thống camera xác định lỗi, tổng đài lập tức báo cho tổ CSGT đang làm nhiệm vụ bên ngoài để xử lý, đồng thời hệ thống cũng tự lưu lại toàn bộ chi tiết nên hoàn toàn bảo đảm tính khách quan” - thiếu tá Thủy nói.

Trả lời câu hỏi hệ thống này được sản xuất từ đâu, làm sao để xác định là “chuẩn” để người dân khỏi thắc mắc, có khi nào nó bị lỗi dẫn đến thiếu chính xác và nếu vậy thì “đo” ở đâu, thiếu tá Thủy cho biết sẽ có những đơn vị chịu trách nhiệm, tương tự như ở các cục đo lường hoặc đăng kiểm. “Chúng tôi đã kiểm tra và thời gian qua cho thấy hệ thống này vận hành tốt, không có trục trặc gì cả. Đây là hệ thống camera chất lượng, hiện đại, hàng đắt tiền thì phải chính xác”- thiếu tá Thủy quả quyết.

Theo thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, lắp đặt hệ thống camera kiểm soát giao thông là chủ trương của công an tỉnh và được chuẩn bị kỹ lưỡng, dù mới đưa vào hoạt động nhưng tin rằng sẽ không có những sai sót quá lớn.

Luật sư Hoàng Như Vĩnh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho rằng với những trường hợp trên, nếu người bị xử phạt chứng minh được bản chất sự việc có thể không chính xác, không hợp lý (chẳng hạn như có kết quả chính xác từ hộp đen - một loại thiết bị đã được xác định chuẩn) thì có quyền khiếu nại. “Vì vậy, nhất thiết phải có sự kiểm tra, xác định rõ để đem đến kết quả “chuẩn” nhất. Đặc biệt là khi các kết quả tham khảo cho thấy có sự chênh lệch quá lớn và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Trường hợp một bên chưa thỏa mãn, có thể phải nhờ đến tòa án phân xử” - luật sư Vĩnh nói. 

Vi phạm giao thông giảm 50%

Thiếu tá Trần Trọng Thủy cho biết sau gần 1 tháng đưa vào sử dụng hệ thống camera kiểm soát giao thông tự động, thống kê bước đầu cho thấy tình trạng vi phạm giao thông đã giảm gần 50% (từ khoảng 400 xuống còn 200 trường hợp trong 1 tháng), ý thức người tham gia giao thông tốt hơn. Riêng với việc phạt “nguội”, do mới hoạt động trong thời gian ngắn nên chưa có kết quả cụ thể.

 

Bài và ảnh: Xuân Hoàng

Theo Người Lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,995

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079