Từ năm 2025, những nhóm người này sẽ không được lái ô tô hạng B (Hình từ internet)
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 36/2024/TT-BYT ngày 16/11/2024 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng. Theo đó, những người mắc 1 trong các bệnh sau đây sẽ không được lái xe ô tô hạng B:
SỐ TT |
CHUYÊN KHOA |
Người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau đây thì không đủ điều kiện để lái xe hạng B |
I |
TÂM THẦN |
Bệnh lý tâm thần đã được điều trị ổn định hoàn toàn nhưng chưa đủ 06 tháng |
II |
THẦN KINH |
- Động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất (không/có dùng thuốc điều trị); - Liệt vận động từ hai chi trở lên; - Hội chứng ngoại tháp; - Rối loạn cảm giác sâu; - Chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý |
III |
MẮT |
- Thị lực nhìn xa bằng hai mắt: < 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); - Nếu còn một mắt, thị lực <5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); - Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây; - Song thị kể cả có điều chỉnh bằng lăng kính. |
IV |
TIM MẠCH |
- Block nhĩ thất độ II hoặc có nhịp chậm kèm theo các triệu chứng lâm sàng (kể cả đã được điều trị nhưng không ổn định); - Suy tim độ III trở lên (theo phân loại của Hiệp hội tim mạch New York - NYHA) |
V |
HÔ HẤP |
Các bệnh, tật gây khó thở mức độ III trở lên (theo phân loại mMRC) |
VI |
CƠ - XƯƠNG - KHỚP |
Cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng). |
VII |
SỬ DỤNG THUỐC, CHẤT CÓ CỒN, MA TÚY VÀ CÁC CHẤT HƯỚNG THẦN |
- Sử dụng các chất ma túy; - Sử dụng chất có nồng độ cồn (áp dụng khi khám sức khỏe định kỳ). |
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 36/2024/TT-BYT thì quy trình khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng và khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 35 Thông tư 32/2023/TT-BYT:
- Người đến khám sức khỏe nộp hồ sơ theo mẫu quy định tại cơ sở khám sức khỏe.
- Sau khi nhận được hồ sơ khám sức khỏe, cơ sở khám sức khỏe thực hiện như sau:
+ Đối chiếu ảnh trong hồ sơ khám sức khỏe với người đến khám sức khỏe;
+ Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã đối chiếu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Thông tư 32/2023/TT-BYT đối với các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 37 Thông tư 32/2023/TT-BYT;
+ Kiểm tra đối chiếu giấy tờ tùy thân hợp lệ của thân nhân người bệnh đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 Thông tư 32/2023/TT-BYT;
+ Hướng dẫn quy trình khám sức khỏe của đơn vị cho người được khám sức khỏe hoặc người giám hộ của người được khám sức khỏe (nếu có);
+ Cơ sở khám sức khỏe xây dựng, ban hành và thực hiện quy trình khám sức khỏe;
+ Trả kết quả và lưu hồ sơ khám sức khỏe.
Theo Điều 6 Thông tư 36/2024/TT-BYT thì chi phí khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng thực hiện theo quy định tại Điều 33 Thông tư 32/2023/TT-BYT:
- Tổ chức, cá nhân đề nghị khám sức khỏe phải trả chi phí khám sức khỏe cho cơ sở khám sức khỏe, theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo thỏa thuận giữa hai đơn vị, trừ các trường hợp được miễn hoặc giảm theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người được khám sức khỏe có yêu cầu cấp từ hai giấy khám sức khỏe trở lên, người được khám sức khỏe phải nộp thêm phí cấp giấy khám sức khỏe theo quy định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
- Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu phí từ hoạt động khám sức khỏe được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 36/2024/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025.
Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 36/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành.