Bị chém chục nhát cũng không coi là thương tật?

28/06/2014 08:13 AM

Sau hơn nửa năm áp dụng, Thông tư liên tịch số 28/2013 (quy định về tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh tật, bệnh nghề nghiệp) đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho các tổ chức giám định pháp y.

Theo nhiều giám định viên, bảng tỉ lệ tổn thương cơ thể do tổn thương phần mềm và sẹo bỏng của Thông tư 28 là phần có nhiều bất hợp lý nhất.

Bị đâm chém nhưng không có tỉ lệ thương tật

Thông tư quy định sẹo vết thương phần mềm và sẹo bỏng không ảnh hưởng chức năng điều tiết, cứ 5% diện tích cơ thể thì tỉ lệ thương tật bằng 3%. Cạnh đó, sẹo vùng mặt, cổ có diện tích từ 1,5% đến 3% diện tích cơ thể thì tỉ lệ thương tật bằng 11%-15%. Sẹo vùng da đầu, phải từ trên năm sẹo đường kính 2 cm trở lên hoặc đường kính một sẹo trên 5 cm hoặc từ năm sẹo đường kính 2-5 cm thì các tổn thương này mới có tỉ lệ thương tật 3%-9%.

Theo y học, 1% diện tích cơ thể tương đương diện tích một bàn tay. Trên thực tế, ít có vết thương nào diện tích to bằng cả bàn tay để tính tỉ lệ thương tật theo Thông tư 28. Các giám định viên đều có cùng cách hiểu đối với các quy định trên là một người dù có bị đâm chém hàng chục nhát mà nếu đem cộng lại, diện tích vết thương không đủ theo hướng dẫn thì không tính được tỉ lệ thương tật. Ngoài ra, không như những bộ phận khác, các vết thương ở vùng mặt, cổ còn là vùng thẩm mỹ nên nếu chỉ tính tỉ lệ thương tật theo % diện tích cơ thể sẽ không công bằng cho nạn nhân.

Vì cách tính trên của Thông tư 28, đã có nhiều vụ án, giám định viên không thể tính được tỉ lệ thương tật để giúp cơ quan điều tra có căn cứ xử lý hình sự người vi phạm. Chẳng hạn vụ anh D. (ngụ huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) bị một người tên L. dùng cây cơ bida đánh vào đầu và mặt gây ra năm vết thương, phải đi cấp cứu. Công an trưng cầu giám định, Trung tâm Pháp y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bó tay vì diện tích của cả năm vết thương cộng lại vẫn không đủ % diện tích cơ thể để bắt đầu tính tỉ lệ thương tật theo Thông tư 28. Do đó, trung tâm phải kết luận là “không có quy định tỉ lệ trong trường hợp này”.

Sau đó, anh D. đã có đơn yêu cầu được giám định lại và xử lý hình sự hành vi cố ý gây thương tích của L. Tuy nhiên, qua hai nơi giám định tiếp theo là Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và Viện Pháp y Quốc gia cuối cùng cũng không tính được tỉ lệ thương tật nên đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình xử lý vụ việc.


Tương tự, anh T. bị một người dùng dao đâm gây ra bốn vết thương ở vùng cánh tay, có tổng diện tích vết thương là 21 cm2. Trao đổi với PV, giám định viên trực tiếp giám định trường hợp của anh T. cho biết theo Thông tư 12 cũ (quy định về tiêu chuẩn thương tật, đã hết thời hiệu) thì anh T. có tỉ lệ thương tật từ 6% đến 10%. Tuy nhiên, theo bảng quy định sẹo vết thương phần mềm và sẹo bỏng của Thông tư 28 thì bốn vết thương của anh T. không đủ diện tích để tính tỉ lệ thương tật.

Bỏ sót nhiều tổn thương

Đặc biệt, theo các giám định viên, Thông tư 28 còn bỏ sót rất nhiều loại tổn thương, dẫn đến nhiều thương tích nếu căn cứ vào thông tư này thì không cho được tỉ lệ thương tật.

Ngoài cả một chương về thai sản, tình dục không có quy định thì thiếu sót của Thông tư 28 còn nằm ở phần tổn thương đầu sọ. Đó là thông tư chỉ quy định tỉ lệ thương tật do mẻ sọ, khuyết sọ nhưng lại không có quy định về nứt sọ - một loại tổn thương phổ biến mà các giám định viên hay gặp nhất. Để không gây thiệt thòi cho nạn nhân, nhiều trung tâm pháp y các tỉnh, thành phải linh hoạt áp dụng mục “khuyết sọ dưới 3 cm2” một cách bất đắc dĩ cho các trường hợp bị nứt sọ.

Được biết sở dĩ có những điểm bất hợp lý, thiếu sót của Thông tư 28 là do quá trình soạn thảo thông tư của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH trước đây đã không có sự đóng góp ý kiến của các giám định viên làm chuyên môn thực tế, phía công an, tòa án, viện kiểm sát… Sau khi Thông tư 28 có hiệu lực, trước thực trạng giám định pháp y gặp khó khăn làm ảnh hưởng tới việc giải quyết án hình sự, đã có nhiều hội nghị của các cơ quan có liên quan tổ chức nhằm góp ý, đề nghị sửa đổi, bổ sung.

Hiện Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH đang sửa đổi, bổ sung Thông tư 28 nhưng chưa có thời hạn ban hành cụ thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi thông tư mới được ban hành.

Tuyết Khuê - Khánh Ly

Theo Pháp luật TP

Dùng từ chưa chuẩn?

Thông tư 28 quy định về tỉ lệ “tổn thương cơ thể”, trong khi đúng ra phải dùng từ tỉ lệ “tổn thương sức khỏe”. Bởi tổn thương sức khỏe bao gồm cả tổn thương cơ thể và tổn thương tinh thần. Ví dụ một cô giáo hay một ca sĩ mà bị sẹo ở mặt, tuy không ảnh hưởng sức khỏe vật chất nhưng lại ảnh hưởng lớn về sức khỏe tâm thần…

Một giám định viên Trung tâm Giám định pháp y một tỉnh

Chia sẻ bài viết lên facebook 8,385

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079