VPCP họp báo thường kỳ tháng 6

02/07/2014 08:14 AM

Ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 6/2014 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên và có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.


Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo thường kỳ tháng 6/2014 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mở đầu buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong 2 ngày 30/6-1/7, Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng đã tiến hành họp phiên thường kỳ tháng 6 bằng hình thức trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, và các ban chỉ đạo (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ). 

Lần này có một điểm mới là phiên  họp đi sâu kiểm điểm, đánh giá tình hình 6 tháng, trong đó có gắn tình hình Biển Đông và các giải pháp ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Chính phủ cũng gắn phần điều hành KTXH 6 tháng lồng vào các chỉ tiêu nhiệm vụ, để kiểm điểm những mặt làm được, những mặt chưa được, nhằm đề ra những biện pháp tốt hơn cho thời gian tới.

Trên tinh thần đó, Chính phủ đã thống nhất đánh giá 6 tháng đầu năm, chúng ta đối mặt với những khó khăn chung của tình hình thế giới, trong nước, đặt biệt là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Do vậy, chúng ta vừa phải đương đầu với những khó khăn, thách thức vốn có của nền kinh tế trong nước cùng với những tác động của tình hình thế giới. 

Có nghĩa là 6 tháng đầu năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân đã vượt qua những khó khăn, vừa nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, vừa phải đối phó với tình hình chung, đặc biệt đối phó với tình hình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta. 

Nhờ sự nỗ lực chung đó mà 6 tháng đầu năm, kinh tế của chúng ta tiếp tục tăng trưởng khá trên tất cả các lĩnh vực. GDP bình quân tính đến giờ này, theo con số đánh giá tại cuộc họp, tăng trưởng 5,18%. Ba lĩnh vực đều tăng, trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng đều mỗi tháng lên 0,2%. Điều đó cho thấy, trong điều kiện khó khăn, chúng ta đã sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, chỉ đạo tổ chức thực hiện cùng với nhân dân, cùng với doanh nghiệp, đem lại kết quả đáng khích lệ. 

Các chỉ số vĩ mô của chúng ta tiếp tục ổn định, kể cả tiền tệ và cán cân thanh toán khác. Tới giờ này, nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định, cán cân thanh toán, xuất-nhập khẩu, thu-chi ngân sách... vượt xa mục tiêu đề ra. Lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng trưởng, có những mặt tăng trưởng rất là rõ rệt. Dịch vụ cũng vậy.

Về văn hóa, xã hội chúng ta quan tâm tiếp tục bám vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Với sự quan tâm đó, chúng ta đã đạt, hoàn thành một số nhiệm vụ đề ra trong lĩnh vực lao động, việc làm, BHYT… Một số lĩnh vực khác như lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối tượng chính sách, chúng ta cũng có sự quan tâm, đảm bảo tốt.

Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhìn chung ổn định, trừ trường hợp manh động hồi tháng 5 vừa qua.

Đánh giá bức tranh như thế để chúng ta thấy rằng đáng khích lệ, trên cơ sở đó chúng ta đề ra mục tiêu, giải pháp cho 6 tháng cuối năm. Làm thế nào đó, với sự nỗ lực cao nhất, hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Đến giờ này, Chính phủ thống nhất đề ra thêm hai mục tiêu để tập trung chỉ đạo, điều hành. 

Mục tiêu thứ nhất là tập trung cao nhất, nỗ lực cao nhất bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hòa bình. Mục tiêu thứ hai là bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, không để tái diễn tình trạng manh động như vừa qua.

Còn các chỉ tiêu về kinh tế thì không điều chỉnh, cố gắng nỗ lực, tập trung cao độ giải quyết tốt nhất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, cùng với các DN, nhân dân khắc phục những tồn tại vốn có, để chúng ta phát triển và theo dự kiến là cố gắng đạt chỉ tiêu đề ra cuối năm khoảng 5,8%. Đó là hướng phấn đấu.

Trên tinh thần đó, xin thông báo rằng, trong phần chung chúng ta có tính đến các giải pháp ứng phó với tình hình kinh tế trong điều kiện có tình huống xấu xảy ra về mối quan hệ với Trung Quốc, như đóng cửa khẩu hay gì đó. 

Hiện nay, các bộ ngành, DN phối hợp để đưa ra các giải pháp theo tinh thần mở rộng thị trường, để thực hiện chủ trương từ trước đến giờ chúng ta đã thực hiện là không tập trung quá mức vào một thị trường, dễ bị ảnh hưởng khi có tình hình xấu xảy ra. Điều này Chính phủ bàn rất sâu, dành thời gian giải quyết.

Riêng về tình hình Biển Đông, đến giờ này chúng ta đã qua hơn 2 tháng, từ ngày 2/5. Hôm họp báo tháng 5, chúng ta đã có trao đổi nhiều. Quốc hội vừa kết thúc kỳ họp, các đại biểu tiếp xúc cử tri thì đồng bào ta rất quan tâm, dành rất nhiều thời gian về vấn đ­ề này. Trong nghị quyết của mình, sau khi bàn bạc, đi đến thống nhất, Chính phủ tiếp tục khẳng định một lần nữa, như tôi vừa nói, đưa ra mục tiêu tiếp tục thực hiện các chủ trương nhất quán từ trước đến giờ của Đảng ta, của nhân dân ta, thống nhất, đồng thuận với Chính phủ. 

Chúng ta khẳng định hành động ngang nhiên hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam là trái đạo lý, trái pháp lý, luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị giữa 2 nước. Tình hình này tạo nên hệ quả không tốt không chỉ với Việt Nam, mà còn đe dọa hòa bình, an ninh thế giới.

Chính phủ khẳng định một lần nữa, chúng ta tiếp tục kiên trì, kiên quyết có mặt trên vùng biển của mình để nói lên rằng sự có mặt của mình là bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo của chúng ta. Chúng ta tiếp tục đấu tranh trên biển để bạn bè thế giới hiểu chính nghĩa của Việt Nam. Chúng ta cũng kiên trì giải pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.

Đến giờ này, bạn bè thế giới đa số ủng hộ chúng ta, đánh giá rất cao sự kiềm chế, hành động kiên nhẫn bảo vệ chủ quyền của chúng ta bằng giải pháp hòa bình. Và người ta cũng nhắc nhở chúng ta cố gắng, kiên trì, đừng để bất cứ sơ hở nào dẫn tới xung đột. Mỗi một sơ hở dù nhỏ cũng lọt vào mưu đồ của kẻ xấu. 

Trong lúc chúng ta hoàn toàn chỉ bảo vệ bằng hành động hòa bình của mình mà Trung Quốc cũng dùng những lời lẽ vu khống, vu cáo rất trắng trợn rằng chúng ta có hành vi quấy phá. Chúng ta tiếp tục giữ mối quan hệ hòa bình  hữu nghị, hợp tác trên tinh thần rất thiện chí đối với Trung Quốc. 

Chúng ta cũng đã hành động bằng những việc có thể của chúng ta như tiến hành 5 cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông, lưu hành công hàm ở LHQ lần thứ 3, Chủ tịch nước của chúng ta cũng đã gửi thư đến Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Chúng ta cũng có những đề nghị rất thiện chí nhưng chúng ta chưa nhận được sự đáp ứng từ phía Trung Quốc. Đó là tình hình Biển Đông, có vấn đề gì thì chúng ta tiếp tục trao đổi.


Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên trả lời các câu hỏi của phóng viên - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

PV Hương Thủy (Báo Lao động): Thứ nhất, Bộ trưởng nói trong phiên họp Chính phủ lần này đề cập tới giải pháp ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra trên Biển Đông. Xin Bộ trưởng nói rõ tình huống xấu Chính phủ dự kiến là gì? Thứ hai, vào cuối năm nay, Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần 2, điều này có được đề cập trong phiên họp lần này không và phản ứng của các thành viên Chính phủ là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trước hết, tôi chia sẻ và cảm ơn những câu hỏi rất có ý nghĩa sâu của các bạn. Trước hết, về cái giải pháp ứng phó với tình huống có thể xảy ra, thực ra tình hình này chúng ta đã có chủ trương từ lâu rồi. Với đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương cố gắng làm thế nào đó trong các mối quan hệ bang giao, làm ăn với các nước, không tập trung quá mức vào một thị trường để hạn chế rủi ro. 

Khi chưa có tình huống này, chúng ta đã tính như thế. Và hiện nay, chính thức Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm chủ quyền của chúng ta. Chúng ta rà lại, xem xét lại để đánh giá lần nữa thì thấy rằng, những giải pháp chúng ta đã làm từ trước tới nay cần xúc tiến nhanh hơn. Tình huống xấu dự đoán có thể xảy ra là Trung Quốc hạn chế ở biên giới. Tình huống thứ 2 là có thể đóng cửa và cao hơn nữa có thể rút tổng thầu hay làm một cái gì đó không còn quan hệ với chúng ta về vấn đề kinh tế nữa.

Đến giờ này, thông tin Chính phủ họp bàn và nghe các nơi báo cáo, kể cả các địa phương, thì trong các tình huống đó, kể cả tình huống xấu nhất, sự ảnh hưởng tuy có nhưng không phải lớn đến mức chúng ta gặp khó khăn không giải quyết được. Hôm nay, nhiều tỉnh phát biểu như thế và Chính phủ cũng thống nhất tình hình chung, nền kinh tế chung của chúng ta có ảnh hưởng nhưng mức độ ảnh hưởng không phải lớn lắm. 

Hiện nay, có ý kiến dự đoán rằng, một số cửa khẩu có nguy cơ bị đóng cửa. Từ hôm qua tới hôm nay, một số tỉnh có đường biên giới nói đến hạn chế về lưu thông do sự kiểm soát tiểu ngạch của Trung Quốc chứ không phải là đóng cửa. Còn lại tới giờ này đều lưu thông bình thường.

Về câu hỏi phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, Chính phủ hôm nay bàn không có nội dung này. Nhưng tôi nghĩ, đối với phần có liên quan tới con người, đánh giá con người, sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, sự thận trọng, cân nhắc của Quốc hội khi mà số người có ý kiến chưa tập trung cao thì tạm dừng (việc sửa Nghị quyết - PV), chúng tôi nghĩ là hoàn toàn đúng, để tiếp tục bàn, tiếp tục lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu nhằm thực hiện cho chính xác hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Về mặt cá nhân, tôi rất ủng hộ và tôi cho rằng rất đúng đắn. Xin cảm ơn.

PV Tố Như (báo Nông nghiệp Việt Nam): Liên quan đến gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng mà Chính phủ thống nhất hỗ trợ cho ngư dân, tôi muốn hỏi đến bao giờ ngư dân sẽ “chạm” được đến gói hỗ trợ này? Chúng tôi vừa đi rất nhiều địa phương, liên tiếp có những loạt bài phản ánh về tình hình ở các địa phương. Có một thực trạng là ngư dân có thể nhìn thấy tiền nhưng không “chạm” đến được vì những chính sách liên quan đến Ngân hàng. Một số doanh nghiệp có thể cần đến gói này nhưng trước đây họ đã từng vay tiền trong ngân hàng rồi, mà quy định của Ngân hàng chính sách là không cho những doanh nghiệp chưa thoái vốn được vay. Đây là gói hỗ trợ hoàn toàn mới và Chính phủ sẽ chỉ đạo thế nào với Ngân hàng chính sách để nông dân có thể tiếp cận được gói hỗ trợ? Bộ NNPTNT đã từng đưa cảnh báo về khả năng một số cửa khẩu có nguy cơ đóng cửa. Sau thông tin này, bà con nông dân liên quan đến nông-lâm-ngư sản rất lo lắng. Chính phủ sẽ chỉ đạo thế nào để nhân dân yên tâm hơn?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Một số tỉnh biên giới có nói về hạn chế của lưu thông do kiểm soát tiểu ngạch của Trung Quốc, chứ không phải đóng cửa. Còn lại là đều lưu thông bình thường.

Đối với gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, trong tuần này, thường trực Chính phủ mời các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn. Quan điểm là tính toán xem đối tượng nào được tham gia, thủ tục thế nào để nhanh nhất, thuận lợi nhất cho ngư dân, thậm chí có những dịch vụ hỗ trợ cho ngư dân.

Cụ thể hiện nay, chúng ta băn khoăn bao giờ ngư dân chạm được gói này? Chủ trương của Chính phủ là khi đưa ra phải đến được với người dân. Liên quan đến những người trước đây đã từng vay và còn những việc tiếp tục giải quyết thì chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng, để khi họp bàn phải có chính sách cụ thể đối với từng đối tượng thụ hưởng.

PV Thế Dũng (báo Người Lao Động): Trong thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ phát ra về cuộc họp Chính phủ kỳ này, có một chi tiết là giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ để Trung ương Đảng xem xét, cân nhắc việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế đối với việc giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép ở vùng biển của ta. Việc này là đã giao rồi hay đã trình Trung ương rồi và đã tiến hành đến đâu?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thủ tướng có giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ pháp lý để khi chúng ta cân nhắc thấy thực sự cần thiết, có lợi cho đất nước mình, thì chúng ta sử dụng. Việc này đã lâu rồi và tiếp tục nhắc các cơ quan thực hiện, theo hướng như thế này: Tiếp tục tập hợp ý kiến, lắng nghe đầy đủ phản ánh của nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước, để làm cơ sở bổ sung cho suy nghĩ và hành động của mình chín chắn hơn. 

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng nghiên cứu tập hợp lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, để báo cáo lãnh đạo cân nhắc xem xét quyết định.

Tôi xin có một ý để các bạn đính chính lại giùm. Trong thông cáo báo chí có một đoạn chưa rõ do thời gian gấp nên anh em làm chưa đầy đủ: “Giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ để Trung ương Đảng xem xét”. Chỗ này trong phát biểu, lãnh đạo có nói: Chuẩn bị các hồ sơ để sẵn sàng báo cáo lãnh đạo xem xét cân nhắc. Mà lãnh đạo của chúng ta thì chúng ta biết rồi, có cấp Trung ương, Bộ Chính trị, có Quốc hội, có lãnh đạo Chính phủ. Cho nên viết thế này là không đủ. Đề nghị các bạn sửa thành: Giao các cơ quan chức năng tiếp tục chuẩn bị hồ sơ để báo cáo lãnh đạo cấp cao xem xét, cân nhắc thực hiện đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế. Xin cảm ơn các bạn.

PV Song Đào (Báo Điện tử Tổ quốc): Những ngày qua, có thông tin vải thiều Trung Quốc nhập vào Việt Nam, vậy đến thời điểm này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đã kiểm tra thông tin này chính xác hay chưa? Chúng tôi có hỏi một số địa phương thì được trả lời rằng thông tin này không chính xác. Mong các bộ đưa ra câu trả lời thông tin này chính xác hay không chính xác để người tiêu dùng bớt lo lắng. Tại cuộc họp Chính phủ lần này có bàn giải pháp cấp bách nào để hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đặc sản của địa phương hay không?


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đến giờ này thông tin chúng tôi nghe được là vải thiều đi ngược về phía Việt Nam là không chính xác. Hôm qua VTV1 có phát tin này và khẳng định là vải thiều của Việt Nam đang được xuất qua Trung Quốc.

Giải pháp cấp bách hiện nay chúng ta đã và đang làm vừa trước mắt vừa lâu dài là tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa mà người dân làm ra, các doanh nghiệp sản xuất ra, nhất là nông sản. Nhưng phải nói là hàng hóa của chúng ta cũng có những khó khăn.

Ví dụ trái thanh long, hầu hết thanh long được xuất ra ngoài nước. Trái thanh long của Việt Nam gần như là loại mặt hàng không nước nào có thể cạnh tranh được nhưng xuất đi xa thì chưa có biện pháp bảo quản tốt. Chúng ta đang tìm các đối tác. Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên tiếng, Bộ Ngoại giao đã thông báo tinh thần này cho các sứ quán của chúng ta ở các nước tiếp tục tiếp thị với các nước để chúng ta tiêu thụ.

Tôi ví dụ 1 mặt hàng như thế để cho thấy hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết, tính toán các giải pháp, kể cả trước mắt lẫn lâu dài, đồng thời nói với người dân rằng: Khi sản xuất phải tính toán về chất lượng gắn với bảo quản, tiêu thụ. Cơ quan chức năng thì tìm thị trường tiêu thụ; rồi cũng phải tính toán phương thức chế biến như thế nào. Có nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý vấn đề này. Hiện nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo ráo riết. Xin thông báo để các báo nghiên cứu, tiếp tục theo dõi, tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ và cùng tham gia thực hiện.

PV Thái Thanh (VTV1): Thứ nhất, từ hôm nay, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn. Vậy hiện nay, bản thân các lực lượng cảnh sát giao thông đã được trang bị đủ kiến thức để phân biệt mũ thật, giả chưa? Việc kiểm tra của các cơ quan Nhà nước từ khâu sản xuất, phân phối, bán lẻ trên đường phải được thực hiện chặt chẽ như thế nào để người dân khi ra đường có thể mua được mũ thật? Liên quan đến việc xử phạt, nếu người dân sử dụng mũ giả thì chế tài xử phạt trên đường như thế nào? Nộp phạt trực tiếp hay đưa về kho bạc hoặc tịch thu mũ đó? Thứ hai, có rất nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu, nhất là những dự án trong lĩnh vực năng lượng, giao thông. Chính phủ có nhận được báo cáo liệu có dự án nào tiến độ bị chậm do cung cấp thiết bị không đúng theo quy trình vì tình hình chính trị hiện nay hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trước hết về xử phạt an toàn giao thông liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm, Chính phủ đã bàn và thống nhất nên thông báo để người dân yên tâm rằng, theo Điều 8 (Nghị định 171/2013) về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông đội mũ bảo hiểm, có hai trường hợp vi phạm: Thứ nhất là không đội mũ bảo hiểm, thứ hai là đội mũ bảo hiểm mà không cài dây. Tất nhiên, chúng ta cũng muốn bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân một cách đầy đủ. Nhưng trong điều kiện này, chúng ta chỉ xử phạt hai trường hợp vi phạm nêu trên. Còn vấn đề mũ giả là thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý và xử lý.  

Thứ hai, đến giờ này, đối với các dự án do Trung Quốc làm tổng thầu, chưa có thông tin nào về việc vì lý do nào đó gây khó khăn cho chúng ta trong tiến độ thực hiện như cam kết. Tuy nhiên, qua thảo luận, cũng có tỉnh nói rằng có những dự án họ trúng thầu giá thấp, có nhiều lý do trì hoãn, đề nghị có những bổ sung... nhưng điều này không phải vì lý do chính trị.

PV Văn Thành (báo Tuổi Trẻ): Tôi xin hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên hai câu hỏi. Thứ nhất, trong thông cáo báo chí về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 có nói đến việc xem xét hồ sơ pháp lý để trình Ban chấp hành Trung ương Đảng. Lâu nay chúng tôi hiểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc theo cơ chế hội nghị. Vậy việc trình hồ sơ pháp lý liên quan đến Biển Đông sẽ nghiên cứu trình Ban Chấp hành Trung ương theo hội nghị hay theo cơ chế như thế nào? Liên quan dự án Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, nhiều bạn đọc quan tâm hai vấn đề mà dự án này đề xuất: Thứ nhất là lập đặc khu cho dự án này; thứ hai là việc xây nhà ở cho hàng nghìn công nhân nước ngoài ở trên địa bàn đấy. Xin cho biết quan đểm của Chính phủ về 2 đề xuất này của dự án Formosa?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Hồ sơ pháp lý như bạn nói đã đề cập trong thông cáo báo chí, chúng ta hiểu rằng đây là Thủ tướng giao các cơ quan chức năng chuẩn bị. Còn việc trình lên các cơ quan thẩm quyền, Bộ Chính trị hay Trung ương thì thực hiện theo quy định, quy chế thực tế. Lúc nào, cần báo cáo ở đâu thì các cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện chứ không phải chúng ta có một quy chế riêng. Hiện nay, Trung ương cũng như Bộ Chính trị rất tập trung chỉ đạo việc này nên khi nào chúng ta có lịch báo cáo thì sẵn sàng báo cáo.

Về dự án Fomosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, đây là dự án kinh tế lớn. Chủ đầu tư là người Đài Loan (Trung Quốc), tổng thầu lò cao là người Trung Quốc. Sau sự cố vừa rồi, đến giờ này, hầu hết các công nhân trở lại làm việc. Riêng chỗ lò cao, khi sự cố xảy ra thì người Trung Quốc rút công nhân về, trên 3.000 người lao động, nhưng theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, nhiều lao động nước ngoài và cả Việt Nam đã trở lại làm việc. 

Theo thông tin chúng tôi nắm được, đảm bảo tiến độ xây dựng ở chỗ này, không bị ảnh hưởng lớn bởi sự cố vừa rồi. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn, nhà đầu tư Đài Loan muốn rằng Nhà nước nên có chính sách đặc thù, tập trung vào thủ tục hành chính để thuận lợi cho họ trong thu hút nhà đầu tư. Họ đang xin cơ chế đặc thù đó, với nhiều nội dung. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và địa phương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. 

Riêng báo chí thời gian qua nói rằng họ xin khu kinh tế đặc biệt, đặc thù thì chúng ta nên chỉnh lại là họ xin cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển khu này theo dự án của họ đề ra với một thiện chí tốt. Nhưng pháp luật chúng ta không có quy định điều đó cho nên chúng ta không đồng ý. 

Chúng ta chỉ giải quyết những vấn đề theo quy định của pháp luật và hiện nay các bộ, ngành chức năng đang được sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tập trung giải quyết theo đề nghị của họ và căn cứ vào quy định của pháp luật.

PV Nghĩa Nhân (báo Pháp luật TPHCM): Trong thông cáo báo chí có nhấn mạnh Thủ tướng chỉ đạo có các biện pháp bảo đảm nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào 1 thị trường nhất định, đồng thời thông tin cũng nói rằng, các bộ, ngành có báo cáo đề án về các giải pháp. Đề nghị 2 bộ liên quan tới đề án là Công Thương và NNPTNT có thông tin chi tiết hơn xem có ngành hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng lớn từ phía Trung Quốc không? Bởi những giải pháp để không lệ thuộc thì chúng ta đã làm từ lâu, nhưng liệu tình huống này chúng ta có cách gì để thúc đẩy nhanh hơn, có những cách tiếp cận mới hơn, quyết liệt hơn và từ 1-2 tháng qua đã có kết quả gì chưa?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Trước hết phải khẳng định, cũng như phóng viên cũng đã đề cập, không phải hiện nay vì có biến động ở Biển Đông, mà Chính phủ, các bộ, ngành…, trong đó có Bộ Công Thương mới nghĩ đến việc chúng ta phải đa đạng hóa các thị trường cả về xuất khẩu và nhập khẩu.

Về phía Bộ Công Thương chúng ta đã làm rồi, thứ nhất là chúng ta phải mở rộng thị trường qua đàm phán. Hiện chúng ta đã ký kết được 8 hiệp định FTA với các nước và đang rất tích cực để hoàn thành Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định với Liên minh thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus. 

Gần đây nhất, tuần qua, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã trực tiếp dẫn đầu đoàn đàm phán Việt Nam sang EU để thực hiện những công đoạn gần như cuối (chưa phải cuối cùng) nhằm hoàn thành Hiệp định giữa Việt Nam và EU. Chúng ta rất mong muốn, hiệp định với EU cũng như với Liên minh thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus có thể kết thúc vào năm 2014. Đó là những việc rất gấp rút mà chúng ta phải làm trong 2 tháng vừa qua.

Thứ 2, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có mở rộng các thị trường, trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đến các thị trường ngoài các thị trường truyền thống mà hiện nay chúng ta đã và đang và làm như Mỹ, EU, Nhật Bản. Chúng ta tiếp tục mở rộng thị trường khác như Nga, các nước Đông Âu, Trung Đông, kể cả châu Phi.

Chúng ta cũng cung cấp thông tin về mặt hàng, thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Một việc nữa mà chúng tôi nghĩ rằng hết sức quan trọng là đẩy mạnh chủ trương về việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đất nước ta 90 triệu dân, nếu chúng ta tiêu thụ các hàng hóa hiện nay chúng ta đang xuất khẩu thì rõ ràng sẽ tạo ra kim ngạch không nhỏ.

Ví dụ vải thiều, những năm trước chúng ta rất lo lắng khi 60%, có khi tới 70% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng năm vừa qua, một mặt vẫn xuất sang thị trường này, tôi khẳng định lại, đến giờ phút này chúng ta vẫn hết sức bình thường với tất cả các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế và các cửa khẩu đường mòn mới mở mà phía Trung Quốc gọi là các chợ biên giới. Mặt khác, vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NNPTNT và một số tỉnh, trong đó có: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, TPHCM và các tỉnh phía Nam, đưa vải thiểu vào phía Nam. Điều rất đáng mừng là hiện nay chúng ta tiêu thụ trong nước đến 60% - đấy là một minh chứng quan trọng cho việc chúng ta tích cực đẩy mạnh chủ trương người Việt dùng hàng Việt.

Không chỉ mặt hàng này, mà chúng ta sẽ tiếp tục làm những mặt hàng khác. Chúng tôi đã tính, với 90 triệu dân, nếu hoàn toàn không xuất khẩu mà chỉ sử dụng trong nước thôi thì thực ra mỗi người dân Việt Nam cũng chỉ được mấy lạng vải thiều. Trước kia, phía Bắc chỉ tập trung xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá thậm chí còn thấp hơn cả giá bán ở thị trường miền Nam, trong khi rất nhiều người dân các tỉnh thành phía Nam chưa được ăn vải thiều lần nào. Đây là thực tế mà chúng ta cần phải nhìn nhận.

Chúng tôi nghĩ rằng, những biện pháp vừa qua không phải bây giờ Chính phủ mới có chủ trương, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, mới thực hiện. Tôi khẳng định, chính sự kiện Biển Đông này là một cú hích (dùng từ “cú hích”, nhiều báo nói rằng cơ hội là không phải, hoàn toàn không phải cơ hội) để chúng ta bắt buộc phải làm và làm nhanh hơn, để trong tình huống xấu nhất như Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP nói, thì chúng ta vẫn đối phó được.

PV Nhật Minh (báo VnExpress): Tôi có câu hỏi dành cho đại diện Bộ Công Thương: Những ngày qua, người dân quan tâm đến hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng mạnh so với tháng 5 cũng như so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành điện sau đó giải thích và cho biết rằng có nhiều nguyên nhân nhưng không phải do áp dụng giá điện mới. Tuy nhiên, so với biểu giá điện mới thì mức tăng lớn nhất và nhiều nhất nằm ở những bậc từ 100 đến 300 số điện. Đây là mức dùng phổ biến nhất trong các hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay. Vậy Bộ Công Thương đánh giá thế nào về việc áp dụng biểu giá điện mới đối với tiền điện của các hộ gia đình, cũng như việc tuyên truyền của ngành Điện là không tăng giá điện nhưng thực tế tiền điện của nhiều gia đình đã tăng trong những tháng qua?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Chúng ta cần tiến tới các mặt hàng phải theo giá thị trường. Chúng ta hiện đang đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không thể bao cấp mãi được. Không chỉ mặt hàng điện, mà sắp tới là cả xăng dầu cũng như một số các mặt hàng thiết yếu khác.

Về mặt hàng điện, phải khẳng định lại, từ tháng 6 chúng ta tính theo biểu giá và chia ra ba mức: Dưới 50, dưới 100 và trên 100. Quan trọng nhất là chúng ta định hướng tiến tới theo giá thị trường, nhưng vẫn phải đảm bảo cho người nghèo, người thu nhập thấp. Chúng ta rất để ý tới việc này, trước kia chúng ta có giá thấp hơn giá thành, dần dần tiến tới ngang với giá thành.

Ví dụ, dưới 50 số thì tính theo giá thành, nhưng vẫn có chính sách đối với hộ nghèo được hỗ trợ 30 số không mất tiền. Đã có con số thống kê, nước ta có 2,7 triệu hộ nghèo, tính trung bình một hộ nghèo một tháng chỉ dùng hết 27,5 kWh điện thôi. Khi Chính phủ hỗ trợ 30 số điện miễn phí cho các hộ nghèo một tháng, thì các hộ nghèo đảm bảo có điện dùng.

Việc thứ hai hết sức quan trọng, đó là vấn đề giá điện đối với vùng hải đảo, biên giới. Để kéo điện ra hải đảo hết sức tốn kém, nhưng hiện nay chính sách vẫn là giá ngoài hải đảo bằng giá trong đất liền. Đó là chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa và người nghèo. Còn những hộ dùng diện trên 100 số trở lên, chúng ta đang thực hiện theo giá của thị trường. Chúng ta cũng phải tính đến chuyện tiết kiệm. Nước nào cũng vậy, phải tính theo chính thu nhập của chúng ta, thu nhập của từng hộ gia đình.

PV Minh Hường (VTV): Chính phủ sẽ giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là 5,8%. Nền kin tế đang đối mặt với rất nhiều thách thức với sự kiện tại Biển Đông. Vậy xin được hỏi: Trong 6 tháng cuối năm chúng ta có những nhóm giải pháp chính nào để vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế này? Cụ thể, xin hỏi đại diện Bộ Tài chính, làm thế nào để đẩy nhanh đầu tư công ra nền kinh tế cũng như xin hỏi Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến là làm thế nào có thể đẩy nhanh tín dụng khi mà trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt có 3,2%?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu: Về đầu tư công, chúng ta đồng thời đang thực hiện đề án tái cơ cấu đầu tư công và đã đạt được kết quả ban đầu rất quan trọng. Có thể thông báo với các bạn về chi đầu tư phát triển và ngân sách 6 tháng đã đạt được 48% dự toán, so với cùng kỳ đây là tiến độ giải ngân khá tích cực, nhất là trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp. 

Sáu tháng cuối năm, tiếp tục đẩy mạnh việc tạo điều kiện, các thủ tục để giải ngân dự án, hoàn thành vốn ngân sách, kể cả vốn trái phiếu Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là thu hút nguồn lực tham gia đầu tư phát triển để tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, đặc biệt là các công trình cơ sở hạ tầng phát triển. Các giải pháp về đầu tư công gồm có các giải pháp về tích cực đẩy mạnh giải ngân ngân sách, nhưng quan trọng hơn cả là cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến: Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, có những yếu tố tác động làm cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vẫn còn khó khăn trong những tháng tới. Tăng trưởng tín dụng đạt được tương đối thấp. Ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để tăng tín dụng và đặc biệt là chất lượng tín dụng. 

Tăng trưởng thấp có những nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế, như sức cầu của nền kinh tế yếu, cơ chế chính sách về phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, về nâng cao tính cạnh tranh, tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, và những tác động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Do vậy, để có thể đưa vốn tín dụng ra một cách hiệu quả, cần phải có sự phối hợp chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa, đầu tư, chính sách đối với doanh nghiệp. Trong hoạt động ngân hàng, có chính sách liên quan đến cơ chế bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản… thì mới có thể đưa vốn tín dụng ra có hiệu quả.

Từ đầu năm tới nay, các chính sách của ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực tín dụng cần ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng thí điểm các mô hình cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên và được kiểm soát chất lượng tín dụng tốt. 

Bên cạnh đó, cũng tập trung xử lý nợ xấu vốn đang là một trong những trở ngại hiện nay. Thông qua cơ chế của công ty mua bán tài sản, vừa qua đã xử lý được một bước. Cần tiếp tục xử lý trong thời gian tới. 

Với những giải pháp của Chính phủ và sự phối hợp nhiều chính sách vĩ mô, cùng với sự chỉ đạo tích cực của hệ thống ngân hàng, trong hệ thống chúng tôi sẽ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội khác.

Nhóm PV

Theo Báo điện tử Chính phủ 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,293

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079