Các đơn vị mua sắm tập trung, đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung tại TPHCM mới nhất (Hình từ Internet)
Ngày 29/11/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 111/2024/QĐ-UBND về Quy chế mua sắm hàng hóa, dịch vụ áp dụng theo phương thức tập trung trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 111/2024/QĐ-UBND thì các đơn vị mua sắm tập trung, đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
- Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị mua sắm tập trung của Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung:
+ Sở, ban, ngành là đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung trong trường hợp mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục mua sắm tập trung phục vụ hoạt động của các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc.
+ Ủy ban nhân dân quận, huyện là đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung trong trường hợp mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục mua sắm tập trung phục vụ hoạt động của các phòng - ban chuyên môn trực thuộc; của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Thành phố trong trường hợp được bố trí từ nguồn ngân sách của quận, huyện để mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục mua sắm tập trung.
+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Thành phố là đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung trong trường hợp được bố trí từ nguồn ngân sách của Thành phố để mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục mua sắm tập trung.
+ Cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng hàng hóa, dịch vụ là đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung đối với các trường hợp khác.
Các nguyên tắc được áp dụng trong mua sắm tập trung được quy định cụ thể tại Điều 87 Nghị định 24/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Việc mua sắm tập trung được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023, cụ thể:
“Điều 53. Mua sắm tập trung
...
5. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ cùng loại thì có thể gộp thành một gói thầu để một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua sắm hoặc để đơn vị có chức năng mua sắm tập trung thực hiện việc mua sắm.”
Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì thuê tư vấn đấu thầu thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải áp dụng mua sắm tập trung sử dụng thỏa thuận khung, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải ký kết hợp đồng với nhà thầu đã được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung. Trường hợp thỏa thuận khung còn hiệu lực mà ký kết hợp đồng với nhà thầu khác không được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung thì không được thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 22, khoản 23 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, như sau:
“Điều 131. Xử lý tình huống trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng
...
22. Trường hợp một hoặc một số thành viên liên danh vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì xử lý như sau:
a) Phạt hợp đồng theo quy định trong hợp đồng đối với tất cả các thành viên liên danh;
b) Tịch thu giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng của tất cả thành viên liên danh;
c) Chấm dứt hợp đồng với một hoặc một số thành viên của liên danh mà vi phạm hợp đồng; trong trường hợp này, chỉ một hoặc một số thành viên liên danh vi phạm hợp đồng bị coi là không hoàn thành hợp đồng và bị đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; các thành viên còn lại được tiếp tục thực hiện hợp đồng tương ứng với phần công việc đảm nhận trong liên danh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với một hoặc một số thành viên liên danh, chủ đầu tư phải đăng tải thông tin thành viên liên danh vi phạm hợp đồng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; trong thông báo phải nêu rõ lý do vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng và gửi quyết định đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi;
d) Phần công việc của thành viên vi phạm được giao cho các thành viên còn lại thực hiện nếu các thành viên này đủ năng lực, kinh nghiệm. Trong trường hợp này, các thành viên còn lại phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng mới tương ứng với giá trị phần công việc chưa thực hiện của gói thầu;
đ) Trường hợp các thành viên còn lại từ chối thực hiện hoặc không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thì chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền cho phép tách phần công việc của thành viên vi phạm thành gói thầu riêng để chỉ định thầu theo quy định tại điểm đ khoản 20 Điều này hoặc tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
23. Trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó; nhà thầu vi phạm hợp đồng bị coi là không hoàn thành hợp đồng.
Đối với phần công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu cho nhà thầu khác với giá trị được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần công việc đã thực hiện, được nghiệm thu trước đó.
Chủ đầu tư phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu. Trường hợp không áp dụng hình thức chỉ định thầu thì hình thành gói thầu mới để tổ chức lựa chọn nhà thầu, trường hợp cần thiết, xem xét lại giá gói thầu đối với phần công việc còn lại trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì không được phép chấm dứt hợp đồng để thay thế nhà thầu khác.
Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm hợp đồng để thay thế nhà thầu mới, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm hợp đồng, chủ đầu tư phải đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm hợp đồng, thông tin nhà thầu thay thế trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời gửi quyết định chấm dứt hợp đồng và các tài liệu xử lý vi phạm hợp đồng khác (nếu có) đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi. Thông báo phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm hợp đồng dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế, tên nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu.”
Xem thêm Quyết định 111/2024/QĐ-UBND có hiệu lực từ 29/11/2024.