Sửa đổi Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia từ 15/01/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024; trong đó có việc sửa đổi Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia tại Luật Quy hoạch 2017.
Cụ thể, Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 sửa đổi, bổ sung một số số thứ tự tại Phụ lục I về Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia như sau:
- Sửa đổi, bổ sung số thứ tự 26 như sau:
26. |
Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn |
- Sửa đổi, bổ sung các số thứ tự 29, 32 và 33 như sau:
29. |
Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản |
32. |
Quy hoạch khoáng sản nhóm I |
33. |
Quy hoạch khoáng sản nhóm II |
(Khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024)
Các nội dụng quy hoạch ngành quốc gia theo quy định mới nhất như sau:
(1) Nội dung quy hoạch ngành quốc gia xác định phương hướng phát triển, phân bố và tổ chức không gian, nguồn lực cho các ngành mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
(2) Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia quy định tại Phụ lục 1 của Luật Quy hoạch 2017.
Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung.
(3) Quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
- Dự báo xu thế phát triển, và các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng quốc gia trong thời kỳ quy hoạch;
- Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành; những cơ hội và thách thức phát triển của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
- Xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
- Phương án phát triển ngành kết cấu hạ tầng trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ;
- Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển ngành kết cấu hạ tầng quốc gia và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia;
- Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
(4) Quy hoạch sử dụng tài nguyên quốc gia, trừ quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh, bao gồm những nội dung sau đây:
- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, điều tra, khảo sát, thăm dò hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên;
- Đánh giá tác động của việc khai thác, sử dụng tài nguyên;
- Phân tích, đánh giá chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường quốc gia và các quy hoạch có liên quan;
- Dự báo tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội tác động tới việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trong thời kỳ quy hoạch;
- Quan điểm, mục tiêu khai thác, sử dụng tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
- Xác định khu vực cấm, khu vực hạn chế, khu vực khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên;
- Định hướng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
(5) Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Định hướng sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh;
- Xác định nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh trong kỳ quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia;
- Phân kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh cho từng kỳ kế hoạch 05 năm;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.
(6) Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; tác động của biến đổi khí hậu; tình hình quản lý và bảo vệ môi trường;
- Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường;
- Phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quản lý chất thải; quan trắc và cảnh báo môi trường;
- Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên bảo vệ môi trường;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
(7) Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Đánh giá hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học, tình hình quản lý bảo tồn đa dạng sinh học;
- Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học;
- Khu vực đa dạng sinh học cao; cảnh quan sinh thái quan trọng; khu bảo tồn thiên nhiên; hành lang đa dạng sinh học; cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học;
- Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
(Điều 25 Luật Quy hoạch 2017, sửa đổi tại Luật Đất đai 2024 và Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024)