Đã có Luật Tổ chức Chính phủ 2025 có hiệu lực từ ngày 01/3/2025

22/02/2025 14:00 PM

Nội dung bài viết là một số quy định mới tại Luật Tổ chức Chính phủ 2025 được Quốc hội thông qua.

Đã có Luật Tổ chức Chính phủ 2025 có hiệu lực từ ngày 01/3/2025

Đã có Luật Tổ chức Chính phủ 2025 có hiệu lực từ ngày 01/3/2025 (Luật số 63/2025/QH15) (Hình từ văn bản)

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ 2025 ngày 18/02/2025.

Đã có Luật Tổ chức Chính phủ 2025 có hiệu lực từ ngày 01/3/2025 (Luật số 63/2025/QH15)

Theo Điều 10 Luật Tổ chức Chính phủ 2025 quy định Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

- Trình Quốc hội quyết định:

+ Thông qua dự án luật;

+ Thông qua dự án luật hoặc dự thảo nghị quyết về: mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước; chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước; phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; trưng cầu ý dân;

+ Thông qua dự thảo nghị quyết về thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

- Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định:

+ Thông qua dự án pháp lệnh hoặc dự thảo nghị quyết;

+ Thông qua dự thảo nghị quyết về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh;

- Trình Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực đối với điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước; quyết định đặc xá theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước:

+ Ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật;

+ Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, nghị định, chương trình công tác của Chính phủ;

+ Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật; thống nhất quản lý công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước, thi hành án, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

+ Tổng hợp đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật;

- Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân:

+ Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; thống nhất quản lý cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức;

+ Thống nhất quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến địa phương;

+ Thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia. Thống nhất quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công và thực hiện các chế độ tài chính theo quy định của pháp luật; thi hành chính sách tiết kiệm, chống lãng phí;

+ Thống nhất quản lý cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động của nền hành chính quốc gia;

+ Thống nhất tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và các hoạt động kinh tế - xã hội;

+ Lãnh đạo công tác của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; giải quyết kiến nghị của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cử tri;

+ Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ;

+ Thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng;

+ Hướng dẫn, kiểm tra tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; cải cách hành chính nhà nước; thi đua, khen thưởng; tài chính, tài sản công trong các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm toán nhà nước;

- Thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại và hội nhập quốc tế, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; quyết định biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

- Quyết định các chính sách phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương, trừ những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua;

- Chính phủ quy định các chính sách theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ, chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

+ Tổ chức thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân;

+ Trình Hội đồng quốc phòng và an ninh quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới;

+ Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp;

+ Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan đại diện của Nhà nước tại nước ngoài và tại các tổ chức quốc tế; bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

+ Quy định khung số lượng, tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu cơ quan chuyên môn và tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;

+ Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Trên cơ sở được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện giải pháp khác với quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp cần huy động các nguồn lực để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, sau đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;

+ Báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến của Chính phủ về dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình.

Luật Tổ chức Chính phủ 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025.

Luật Tổ chức Chính phủ 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14Luật số 20/2023/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Tổ chức Chính phủ 2025 có hiệu lực thi hành.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 177

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079