Sáp nhập tỉnh: Lấy tên tỉnh mới theo tỉnh lớn hay tỉnh nhỏ? (Hình từ internet)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp ngày 11/3/2025 của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước Đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiêu chí sắp xếp các đơn vị hành chính; phương án, định hướng sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; dự kiến tên gọi, phương án lựa chọn nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính của đơn vị hành chính mới được thành lập; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế chính quyền cấp tỉnh, cấp xã…
Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc, tiêu chí, nhất là về dự kiến sắp xếp, tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng…
Đặc biệt, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; việc chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.
Như vậy, việc đặt tên tỉnh mới sau khi sáp nhập sẽ không phụ thuộc theo tỉnh lớn hay tỉnh nhỏ mà yêu cầu phải có tính kế thừa.
Tại Điều 20 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 có đề cập đến việc đặt tên của đơn vị hành chính thành lập mới và đổi tên đơn vị hành chính như sau:
1. Tên được viết bằng chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc thiểu số.
2. Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính, cùng cấp hiện có trong phạm vi cả nước.
Tên của đơn vị hành chính cấp huyện thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tên của đơn vị hành chính cấp xã thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện.
3. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị hành chính có thể được đổi tên. Tên mới của đơn vị hành chính này thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Trình tự, thủ tục đổi tên đơn vị hành chính được thực hiện như đối với trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Cụ thể tại Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 thì thủ tục đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh khi thực hiện sáp nhập như sau:
Bước 1: Xây dựng đề án
Chính phủ tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính gồm có:
- Tờ trình về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính;
- Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính;
- Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Dự thảo nghị quyết của Quốc hội hoặc dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
Bước 3: Lấy ý kiến nhân dân
Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến Nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính bằng các hình thức phù hợp theo quy định của Chính phủ.
Bước 4: Hoàn thiện đề án
Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở các đơn vị hành chính có liên quan để xem xét, cho ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
Bước 5: Thẩm định đề án
Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính phải được thẩm định trước khi trình Chính phủ và được thẩm tra trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bước 6: Xem xét thông qua đề án
Việc lập đề án, trình tự, thủ tục xem xét, thông qua đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Kết luận 127-KL/TW ngày 28/02/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng uỷ Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ cụ thể như sau:
- Báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến các cấp uỷ, tổ chức đảng chậm nhất ngày 09/3/2025.
- Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thiện đề án gửi xin ý kiến các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương chậm nhất ngày 12/3/2025.
- Tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương, hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3/2025.
- Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến các cơ quan, hoàn thiện đề án, tờ trình; trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước ngày 07/4/2025.