Kết luận 134: tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra (Hình từ Internet)
Theo Kết luận 134-KL/TW năm 2025, các cơ quan thanh tra tiếp tục hoạt động sau tinh gọn hệ thống bao gồm:
- Thanh tra Bộ Quốc phòng
- Thanh tra Bộ Công an
- Thanh tra Ngân hàng Nhà nước
- Thanh tra Cơ yếu
- Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân
- Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam
- Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam
- Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Xem thêm tại Kết luận 134-KL/TW năm 2025 về tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra.
Thanh tra Bộ Quốc phòng
Theo Điều 10 Nghị định 33/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung năm 2024, Thanh tra Bộ Quốc phòng là cơ quan của Bộ Quốc phòng, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước về lĩnh vực quốc phòng của Bộ Quốc phòng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ Công an
Điều 8 Nghị định 164/2024/NĐ-CP, Thanh tra Bộ Công an là cơ quan của Bộ Công an, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Công an nhân dân; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Công an; thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của Bộ Công an; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước
Theo Quyết định số 275/QĐ-NHNN ngày 24/02/2025 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Lãnh đạo Thanh tra Ngân hàng Nhà nước là Chánh Thanh tra. Giúp việc Chánh Thanh tra có một số Phó Chánh Thanh tra.
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh Thanh tra:
+ Tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều 2 Quyết định số 275/QĐ-NHNN và chịu trách nhiệm trước Thống đốc và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước;
+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra theo quy định tại Luật Thanh tra và quy định của pháp luật có liên quan;
+ Phân công nhiệm vụ, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các Phó Chánh Thanh tra;
+ Quyết định chương trình, kế hoạch công tác của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;
+ Ký giấy tờ, văn bản hành chính và nghiệp vụ thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
+ Ký thừa lệnh Thống đốc trên các văn bản hành chính theo thẩm quyền;
+ Thực hiện quản lý, sử dụng công chức theo phân cấp, ủy quyền của Thống đốc.
Thanh tra Cơ yếu
Theo Điều 4 Nghị định 03/2024/NĐ-CP, thanh tra Cơ yếu là cơ quan của Ban Cơ yếu Chính phủ, giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, chữ ký số chuyên dùng công vụ, mật mã dân sự, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cơ yếu; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân
Theo Điều 1 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 483/QĐ-BKHCN Thanh tra Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân (nay là Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân là cơ quan của Cục An toàn bức An toàn bức xạ và hạt nhân, có trách nhiệm giúp Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Cục trưởng) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước được phân cấp của Cục.
Thanh tra Cục chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam
Theo Điều 3 Quyết định 08/QĐ-BXD năm 2025, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan thuộc Cục Hàng hải và đường thủy Việt Nam, thuộc Bộ Xây dựng.
Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam
Theo Điều 26 Quyết định 43/QĐ-CHK năm 2025 vị trí chức năng Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan của Cục Hàng không Việt nam thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng không dân dụng trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục Hàng không Việt Nam được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Theo Điều 1 Quyết định số 05/QĐ-UBCK năm 2025, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là tổ chức thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Bộ Tài chính; hoạt động theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định của Luật Chứng khoán.
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có con dấu riêng và được sử dụng con dấu trong xử lý vi phạm hành chính về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện để phục vụ hoạt động thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính.
Lê Quang Nhật Minh