Đề xuất không tuyển dụng người học chưa bồi hoàn chi phí đào tạo vào làm việc tại các cơ quan nhà nước (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Nghị định 143/2013/NĐ-CP việc bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo (sau đây gọi chung là chi phí đào tạo) đối với người học chương trình giáo dục cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam mà không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp.
Tại Dự thảo Nghị định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo (sau đây gọi là Dự thảo Nghị đinh), đề xuất không tuyển dụng người học chưa bồi hoàn chi phí đào tạo vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Cụ thể, đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 7 Nghị định 143/2013/NĐ-CP như sau:
'3. Trường hợp người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bồi hoàn có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật. Người học chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi hoàn theo quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ không được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.'
Theo Tờ trình Dự thảo Nghị định, lý do bộ sung quy định này là nhằm hạn chế trường hợp người học không chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước để nộp hồ sơ tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước khác.
Ngoài ra, tại Dự thảo Nghị định, dự kiến sửa đổi bổ sung theo hướng tăng thời hạn người học gia đình người học phải hoàn trả chi phí bồi hoàn (tăng từ 60 ngày lên 120 ngày). Cụ thể, sửa đổi khoản 1 Điều 7 Nghị định 143/2013/NĐ-CP như sau:
'1. Chậm nhất trong thời hạn 120 (một trăm hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn.'
Theo Điều 7 Nghị định 143/2013/NĐ-CP, việc trả và thu hồi chi phí bồi hoàn
(1) Chậm nhất trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn.
(2) Chi phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và theo quy định của Luật ngân sách nhà nước về quản lý khoản thu hồi nộp ngân sách.
(3) Trường hợp người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bồi hoàn có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.
(4) Trường hợp người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn theo thời hạn thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn. Nếu Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.
Xem thêm tại Dự thảo Nghị định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
Lê Quang Nhật Minh