Trước ngày 10/4/2025, ban hành hướng dẫn xử lý vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực hộ tịch (Hình từ Internet)
Ngày 07/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 74/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp giao nhiệm vụ cụ thể và thời gian thực hiện cho các bộ ngành.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận 127-KL/TW, Kết luận 130-KL/TW, Kết luận 137-KL/TW và Công văn 43-CV/BCĐ tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và chính quyền địa phương các cấp; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội.
Đồng thời, xác định rõ lộ trình, các công việc phải thực hiện trong từng thời điểm, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, tỉnh (thành) ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Cụ thể, việc hướng dẫn xử lý vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực hộ tịch được quy định như sau:
- Trước ngày 10/4/2025, Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn xử lý vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực hộ tịch, đăng ký biện pháp bảo đảm khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp,... và các vấn đề khác có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Như vậy, trước ngày 10/4/2025, Chính phủ giao Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn xử lý vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực hộ tịch.
Hộ tịch được quy định tại Điều 2 Luật Hộ tịch 2014 như sau: Hộ tịch là những sự kiện được quy định như khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha mẹ ,con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử; xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết.
Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.
Các nội dung đăng ký hộ tịch được quy định tại Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
- Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:
+ Khai sinh;
+ Kết hôn;
+ Giám hộ;
+ Nhận cha, mẹ, con;
+ Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;
+ Khai tử.
- Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
+ Thay đổi quốc tịch;
+ Xác định cha, mẹ, con;
+ Xác định lại giới tính;
+ Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;
+ Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;
+ Công nhận giám hộ;
+ Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 9 Luật Hộ tịch 2014 quy định phương thức yêu cầu và tiếp nhận yêu cầu đăng ký hộ tịch như sau:
- Khi yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
-. Khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch, cá nhân xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh nhân thân.
- Đối với những việc đăng ký hộ tịch có quy định thời hạn giải quyết, thì người tiếp nhận hồ sơ phải viết giấy tiếp nhận; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ thì phải hướng dẫn bằng văn bản để người đi đăng ký hộ tịch bổ sung, hoàn thiện. Văn bản hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ bổ sung.
Trường hợp người có yêu cầu nộp hồ sơ không đúng cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người đi đăng ký hộ tịch đến cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền