Hội nghị toàn quốc về triển khai sáp nhập tỉnh, xã sẽ tổ chức trước ngày 18/4/2025 (Hình từ internet)
Ngày 07/4/2025, Chính phủ có Nghị quyết 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Kế hoạch).
Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp Kế hoạch đặt ra là hoàn thiện chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo Kế hoạch thì trước ngày 18/4/2025, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai đến các bộ, ngành trung ương và các địa phương ngay sau Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị.
Về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, theo Kế hoạch, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án trước ngày 01/5/2025. Trước ngày 30/5/2025, Bộ Nội vụ thẩm định, lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Kế hoạch nêu rõ, trước ngày 01/5/2025, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án.
Trước ngày 30/5/2025, Bộ Nội vụ lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Quốc hội. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 20/6/2025.
Trước đó, tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3, triển khai nhiệm vụ công tác quý II và tháng 4, diễn ra chiều ngày 01/4 tại Trụ sở Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị trong thời gian tới các đơn vị cần tập trung cao độ trong thực hiện nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước 30/6, để chính quyền cấp xã sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 01/7, cấp tỉnh sẽ vận hành sau ngày 30/8.
Bộ trưởng lưu ý, kể từ ngày 01/5, khối lượng công việc sẽ rất lớn khi 63 tỉnh, thành phố gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cùng thời điểm. Đồng thời, Bộ Nội vụ cần phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các Bộ, ngành điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo việc vận hành của chính quyền địa phương hai cấp, sau khi không còn cấp huyện.
Theo lộ trình, Đảng ủy Chính phủ sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11 để thông qua đề án của Đảng ủy Chính phủ. Sau đó, Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp vào, dự kiến diễn ra vào ngày 16/4. Hội nghị cũng sẽ xác định một số nhiệm vụ trong sắp xếp lại Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tòa án, viện kiểm sát.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết).
Theo đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp như sau:
- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết này là việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo định hướng phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương
- Tiêu chí xác định đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp gồm:
+ Tiêu chỉ về Diện tích tự nhiên và Quy mô dân số: Thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15.
+ Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc: Đơn vị hành chính cấp tinh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.
+ Tiêu chí về địa kinh tế: Đơn vị hành chính cấp tinh có vị trí địa lý liền kẻ, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của ĐVHC sau sắp xếp.
+ Tiêu chí về địa chính trị: Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.
+ Tiêu chí về quốc phòng, an ninh: Việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.