Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 là ngày Chủ nhật 15/3/2026 (dự kiến) (Hình từ internet)
Đây là nội dung tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo chuyên đề “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031” làm rõ những vấn đề trọng tâm, cốt lõi nhất.
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, bối cảnh cuộc bầu cử lần này thể hiện ở 4 vấn đề như sau::
- Những đổi mới trong Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân,…
- Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp: cấp tỉnh và cấp xã.
- Sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 14.
Thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia (dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15).
Dự kiến Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026 và ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội. Vì vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay sau Hội nghị hôm nay.
Căn cứ Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2020) quy định về tiêu chuẩn trở thành đại biểu Quốc hội như sau:
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.Bổ sung
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Căn cứ Điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2020) quy định về số lượng đại biểu Quốc hội như sau
- Tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách.
- Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội.