Xác định ngành sản xuất trong nước từ ngày 01/07/2025

17/04/2025 15:30 PM

Dưới đây là bài viết về việc xác định ngành sản xuất trong nước từ ngày 01/07/2025.

Xác định ngành sản xuất trong nước từ ngày 01/07/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 11/04/2025 Chính phủ ban hành Nghị định 86/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Xác định ngành sản xuất trong nước từ ngày 01/07/2025

Theo Điều 4 Nghị định 86/2025/NĐ-CP quy định  xác định ngành sản xuất trong nước như sau:

- Việc xác định ngành sản xuất trong nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Quản lý ngoại thương 2017 như sau:

+ Ngành sản xuất trong nước là tập hợp các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc đại diện của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất trong nước. Trong trường hợp nhà sản xuất trong nước trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì nhà sản xuất này có thể không được xem là nhà sản xuất trong nước.

- Tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành sản xuất trong nước theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Quản lý ngoại thương 2017 được xác định như sau:

+ Trong vụ việc chống bán phá giá và vụ việc chống trợ cấp, khối lượng, số lượng hàng hóa sản xuất chiếm ít nhất 50% tổng khối lượng, số lượng được sản xuất ở trong nước của hàng hóa tương tự với hàng hóa bị điều tra được coi là chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành sản xuất trong nước;

+ Trong vụ việc tự vệ, khối lượng, số lượng hàng hóa sản xuất chiếm ít nhất 50% tổng khối lượng, số lượng được sản xuất ở trong nước của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa bị điều tra được coi là chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành sản xuất trong nước.

- Cơ quan điều tra có thể xem xét tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ quy định tại khoản 2 Điều này nếu có căn cứ cho thấy tỷ lệ thấp hơn đó đủ để coi là chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành sản xuất trong nước.

- Trong các vụ việc chống bán phá giá, vụ việc chống trợ cấp, các nhà sản xuất trong một thị trường địa lý nhất định trên lãnh thổ Việt Nam có thể được coi là ngành sản xuất trong nước nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

+ Các nhà sản xuất trên thị trường địa lý đó bán toàn bộ hoặc hầu như toàn bộ hàng hóa họ sản xuất được trên thị trường đó;

+ Nhu cầu của thị trường địa lý đó không được đáp ứng một cách đáng kể bởi các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước ở các thị trường địa lý khác.

Trong trường hợp xác định tồn tại hành vi bán phá giá, trợ cấp chỉ diễn ra trên thị trường địa lý đó và gây thiệt hại cho toàn bộ hoặc hầu hết các nhà sản xuất trên thị trường đó, Cơ quan điều tra vẫn có thể xác định thiệt hại ngay cả khi các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước ở các thị trường địa lý khác không bị thiệt hại.

Hiện hành, Điều 4 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định xác định ngành sản xuất trong nước như sau:

- Việc xác định ngành sản xuất trong nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Quản lý ngoại thương 2017.

- Khối lượng, số lượng hàng hóa sản xuất chiếm ít nhất 50% tổng khối lượng, số lượng hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất ở trong nước được coi là chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành sản xuất trong nước theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Quản lý ngoại thương 2017. Cơ quan điều tra có thể xem xét tỷ lệ thấp hơn nếu có bằng chứng cho rằng tỷ lệ đó đủ để coi là chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành sản xuất trong nước.

- Trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, các nhà sản xuất trong một thị trường địa lý nhất định trên lãnh thổ Việt Nam có thể được coi là ngành sản xuất trong nước nếu thỏa mãn các điều kiện sau đây:

+ Các nhà sản xuất trên thị trường địa lý đó bán toàn bộ hoặc hầu như toàn bộ hàng hóa họ sản xuất được trên thị trường đó;

+ Nhu cầu của thị trường địa lý đó không được đáp ứng một cách đáng kể bởi các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước ở các thị trường địa lý khác.

Trong trường hợp này, Cơ quan điều tra vẫn có thể xác định thiệt hại ngay cả khi các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước ở các thị trường địa lý khác không bị thiệt hại, nếu Cơ quan điều tra xác định tồn tại hành vi bán phá giá, trợ cấp chỉ diễn ra trên thị trường địa lý đó và gây thiệt hại cho toàn bộ hoặc hầu hết các nhà sản xuất trên thị trường đó.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

Chia sẻ bài viết lên facebook 23

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079