Địa điểm bắn pháo hoa 30 4 tại Hà Nội vào tối ngày 22 và 27/4/2025 (Hình từ internet)
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 107/KH-UBND ngày 18/4/2025 tổ chức bắn pháo hoa trong chương trình chính luận nghệ thuật "Hẹn ước Bắc Nam" và chương trình Cầu truyền hình trực tiếp "Vang mãi khúc khải hoàn" kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa trong hai ngày 22 và 27/4/2025 cụ thể như sau:
(1) Tổ chức bắn pháo hoa trong chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc Nam”.
- Điểm bắn, trận địa bắn
Tổ chức 01 điểm bắn, 01 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và hoa thuật tại khu vực đường đua F1 (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm)
- Số lượng súng, đạn pháo hoa
+ Pháo hoa tầm cao: 500 quả - Pháo hoa tầm thấp: 150 giản
+ Hỏa thuật: 12 mạch phun hoa đồng loạt; 240 ống phun hoa các màu
- Thời lượng, thời gian bắn
+ Thời lượng: 15 phút.
+ Thời gian bắn: Theo hiệp đồng của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (dự kiến từ 21.45 đến 22.00 ngày 22 tháng 4 năm 2025).
- Kinh phí khái toán: 2.050.556.480 đồng (Hai tỷ không trăm năm mươi triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn bốn trăm tám mươi đồng).
(2) Tổ chức bắn pháo hoa trong chương trình Cầu truyền hình trực tiếp “Vang mãi khúc khải hoàn” kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Điểm bắn, trận địa bắn
Tổ chức 01 điểm bắn, 01 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp tại khu vực sân khấu Đa năng Công viên thống nhất (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).
- Số lượng súng, đạn pháo hoa
+ Pháo hoa tầm cao: 600 quả
+ Pháo hoa tầm thấp: 90 gian
- Thời lượng, thời gian bắn
- Thời lượng: 15 phút.
- Thời gian bắn: Theo hiệp đồng của Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam (dự kiến từ 21.45 đến 22.00 ngày 27 tháng 4 năm 2025 ).
- Kinh phí khái toán: 2.089.119.480 đồng (Hai tỷ không trăm tám mươi chín triệu một trăm mười chín nghìn bốn trăm tám mươi đồng).
Căn cứ Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng pháo hoa như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Như vậy, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được phép bắn pháo hoa trong dịp lễ mà không cần phải thông qua sự cho phép của cơ quan tổ chức, cá nhân nào.
Lưu ý: Chỉ được bắn pháo hoa mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Hiện nay, chỉ có nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng mới được phép sản xuất pháo hoa.
Cần phân biệt pháo hoa và pháo nổ, người dân chỉ được sử dụng pháo hoa và sử dụng vào những trường hợp theo quy định pháp luật, không được sử dụng pháo nổ hay pháo hoa nổ.
- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
+ Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
+ Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m;
+ Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Pháo nổ chỉ được bắn bởi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số trường hợp khác do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.