Nội dung thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050

22/04/2025 15:12 PM

Dưới đây là chi tiết nội dung thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Nội dung thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ internet)

Nội dung thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định 575/QĐ-BNNMT năm 2025 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nội dung chủ yếu của kế hoạch thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp được xây dựng căn cứ quy định tại Điều 45 Luật Quy hoạch, bao gồm như sau:

Một số nhiệm vụ trọng tâm

- Tập trung rà soát, điều chỉnh ranh giới, phân định ranh giới 3 loại rừng; rà soát điều chỉnh xác lập các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp; rà soát đánh giá tổng thể việc thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn thực hiện quy hoạch.

- Tổ chức điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng và xây dựng cơ sở dữ liệu; triển khai giao rừng cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

- Xây dựng, triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững, tăng trưởng xanh.

- Tập trung phát triển rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung cho chế biến; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp. Đồng thời xây dựng và phát triển các khu công nghiệp chế biến lâm sản công nghệ cao, các cụm công nghiệp ngành gỗ và chế biến lâm sản; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam.

- Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lâm nghiệp quốc gia và chương trình chuyển đổi số trong lâm nghiệp.

(Chi tiết các nhiệm vụ trọng tâm tại Phụ lục I kèm theo)

Triển khai các chương trình, đề án, dự án theo quy hoạch

Sử dụng vốn đầu tư công

Các chương trình, đề án, dự án sử dụng vốn đầu tư công được xác định theo nguyên tắc:

- Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

- Ưu tiên vốn đầu tư công để tập trung đầu tư 16 lĩnh vực và ưu tiên hỗ trợ đầu tư 9 lĩnh vực theo điểm a, điểm b khoản 7 Điều 1 Quyết định 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024.

Sử dụng các nguồn vốn khác

- Khuyến khích, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia đầu tư quản lý bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp.

- Thu hút nguồn lực xã hội theo các hình thức: Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các hoạt động của ngành lâm nghiệp, như: công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản; hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Danh mục các chương trình, đề án tại Phụ lục II kèm theo)

Cơ chế, chính sách thực hiện Quy hoạch

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp 2017, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017; rà soát, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các thông tư, định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực lâm nghiệp;

(Danh mục các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, đề án tại Phụ lục III kèm theo)

Kế hoạch sử dụng đất

Thực hiện Nghị quyết 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 06/3/2022 về Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 và chỉ tiêu quy hoạch đất lâm nghiệp tại Quyết định 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Căn cứ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy định pháp luật liên quan, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật trong phạm vi của địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch đảm bảo hiệu quả.

(Chi tiết Kế hoạch sử dụng đất tại Phụ lục IV kèm theo Kế hoạch Quyết định 575/QĐ-BNNMT-LNKL)

Nguồn lực thực hiện quy hoạch

Huy động, bố trí vốn ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác; vốn tín dụng từ tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài; thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng; đầu tư, đóng góp, ủng hộ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân; nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các dự án, hoạt động ưu tiên trong Quy hoạch lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 895/QĐ-TTg. Cụ thể:

- Vốn ngân sách nhà nước: tập trung cho đối tượng rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất trong thời gian đóng của rừng; đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp; hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư các lĩnh vực, hoạt động lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác: tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư, tài trợ cho quản lý bảo vệ, phát triển rừng và chế biến thương mại lâm sản; xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và chế biến thương mại lâm sản.

- Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng: khai thác các tiềm năng, mở rộng phạm vi, đối tượng cung ứng, sử dụng các các dịch vụ mới để tăng nguồn thu, đặc biệt là dịch vụ du lịch sinh thái, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng.

Trong quá trình xây dựng, triển khai các dự án cụ thể, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất dự án, phân kỳ đầu tư các công trình, dự án phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, yêu cầu thực tiễn và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Nguyễn Tùng Lâm

Chia sẻ bài viết lên facebook 9

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079