Ngân hàng xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà (Hình từ internet)
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm... đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.
Trong nước, căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, theo đề xuất của Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị đã có kết luận điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo, trên cơ sở đó Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:
+ Theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
+ Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
+ Khẩn trương nghiên cứu, kêu gọi các ngân hàng khẩn trương chung tay xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn. Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ bị tác động bởi chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ.
Như vậy, theo quy định trên thì ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, kêu gọi các ngân hàng khẩn trương chung tay xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
+ Xây dựng phương án huy động tối đa nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho đầu tư phát triển; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động nguồn lực cho phát triển.
+ Làm việc với ADB để chuẩn bị các dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
+ Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó cần xây dựng các giải pháp đột phá, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích, thúc đẩy, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân.
- Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo theo Quyết định 751/QĐ-TTg ngày 11/4/2025 về giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án tồn đọng; rà soát, phân loại các dự án, xác định rõ thẩm quyền xử lý để hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương giải quyết hoặc đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết trước ngày 15/5/2025.
- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động bền vững, linh hoạt, hiệu quả; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại; khẩn trương rà soát, nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Nguyễn Tùng Lâm