Công văn 3332: Sẽ tiến hành ổn định thị trường vàng và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá vàng (Hình từ Internet)
Ngày 18/4/2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 3332/VPCP-KTTH về diễn biến giá vàng trong nước.
![]() |
Công văn 3332/VPCP-KTTH |
Theo nội dung được quy định trong Công văn 3332/VPCP-KTTH năm 2025 thì xét báo cáo nhanh của Văn phòng Chính phủ ngày 18/4/2025 về tình hình diễn biến giá vàng trong nước ngày 18/4/ 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có các ý kiến chỉ đạo về việc ổn định thị trường vàng và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá vàng như sau:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản 1483/VPCP-KTTH ngày 04/4/2025; chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Cụ thể, các nguyên tắc quản lý trong hoạt động kinh doanh vàng được quy định tại Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP bao gồm:
- Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.
- Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
- Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
- Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2024.
- Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6, 7, 8 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép.
Xem thêm tại Công văn 3332/VPCP-KTTH ban hành ngày 18/4/2025.