Đề xuất các hình thức tố cáo và tiếp nhận tố cáo về bảo hiểm xã hội (Hình từ Internet)
Tại Điều 22 Dự thảo Nghị hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (Sau đây gọi là Dự thảo Nghị định), Bộ Nội vụ đề xuất quy định các hình thức tố cáo và tiếp nhận tố cáo về bảo hiểm xã hội như sau:
Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người, tổ chức bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
- Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại điểm a Khoản này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Theo Điều 22 Dự thảo Nghị định, thẩm quyền giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội được đề xuất như sau:
(1) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ về bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ về bảo hiểm xã hội của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội do người đứng đầu cơ quan cơ quan bảo hiểm xã hội cấp trên trực tiếp giải quyết.
(2) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ về bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức được xử lý như sau:
(i) Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội cấp trên trực tiếp của cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
(ii) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;
(iii) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp (i) và (ii) thì do người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
(iii) Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết.
(3) Tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ về bảo hiểm xã hội do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
(4) Cơ quan bảo hiểm xã hội nơi quản lý thu bảo hiểm xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó về việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ về bảo hiểm xã hội.
(5) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trước năm 1995.
Xem thêm tại Dự thảo Nghị hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội
Lê Quang Nhật Minh