Luật Công đoàn 2024 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2024 quy định công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm 4 cấp sau đây:
- Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương bao gồm liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp huyện); công đoàn ngành địa phương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Công đoàn 2024; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
- Công đoàn cấp cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
Lưu ý:
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập và xác định cấp công đoàn đối với công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên cơ sở quyết định của Quốc hội về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Mô hình tổ chức công đoàn được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động, yêu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện nội dung quy định tại khoản này.
- Điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và chấm dứt hoạt động của tổ chức Công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Tại mục 5 của Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 được ban hành trong Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề cập đến việc thống nhất dừng hoạt động của công đoàn viên chức và công đoàn thuộc lực lượng vũ trang như sau:
...
- Về tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: (1) Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã như Tờ trình và Đề án của Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương; việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải bảo đảm sâu sát cơ sở, địa bàn, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và đoàn viên, hội viên của tổ chức mình. (2) Thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang; giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn.
- Về hệ thống tổ chức Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp: Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; hệ thống tổ chức Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp: Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực. Kết thúc hoạt động của Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
...
Như vậy, một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động của công đoàn viên chức và công đoàn trong lực lượng vũ trang, nhằm sắp xếp lại tổ chức cho phù hợp với yêu cầu đổi mới và tinh gọn hệ thống chính trị.
Nguyễn Hoài Bảo Trâm