Biên chế cán bộ công chức khi sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính tại TPHCM (Hình từ internet)
UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị trên địa bàn TP.
Theo đó, đối với biên chế sau khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh như sau:
- Đối với cấp tỉnh đảm bảo số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.
- Đối với cấp xã: Chuyển biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã. Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện, cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định.
Đồng thời kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại khu phố, ấp và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không bố trí công tác theo quy định.
Đối với tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính nói chung: Đảm bảo giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của TPHCM phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP, Nghị định 67/2025/NĐ-CP và các chỉ đạo của Trung ương.
Đối với chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính: Thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, bảo đảm tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của TP. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp phải có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chính quyền cấp cơ sở phải gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất; không làm gián đoạn hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống chính trị TP.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Trong đó, căn cứ Điều 11 Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính như sau:
Giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 06 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.