03 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 05/5/2025 (Hình từ internet)
Dưới đây 03 chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ ngày 05/5/2025:
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT ngày 19/3/2025 sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/06/2022. Trong đó, quy định về phương thức tuyển sinh như sau:
Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển, cách thức tính điểm xét và xác định điều kiện trúng tuyển, trong đó:
- Các tiêu chí chủ yếu dùng để đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo;
- Tổng điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích (gọi chung là điểm cộng) đối với thí sinh có thành tích đặc biệt, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (tối đa 3 điểm đối với thang điểm 30);
- Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét, nhưng không thí sinh nào có điểm xét (tính cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.
* Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác):
- Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%; từ năm 2026 số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét;
- Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%;
- Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.
* Đối với một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có nhiều phương thức tuyển sinh hoặc tổ hợp xét tuyển:
- Cơ sở đào tạo phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn thống nhất của Bộ GDĐT; bảo đảm tuyển chọn được các thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo;
- Không quy định mã xét tuyển riêng, chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển, trừ việc quy định chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ và quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên số liệu phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển các năm trước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 18/2025/TT-BTC ngày 26/4/2025 sửa đổi Thông tư 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư 68/2024/TT-BTC. Trong đó, nguyên tắc lưu ký chứng khoán bao gồm:
- Hoạt động lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bao gồm: mở và quản lý tài khoản lưu ký chứng khoán, ký gửi chứng khoán, rút chứng khoán, chuyển khoản chứng khoán lưu ký ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán, phong tỏa và giải tỏa chứng khoán.
- Thành viên lưu ký thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 119/2020/TT-BTC cho khách hàng tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo nguyên tắc: khách hàng thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký và thành viên lưu ký thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán cho khách hàng tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
- Khách hàng ký hợp đồng mở tài khoản lưu ký chứng khoán với thành viên lưu ký để thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán. Sau khi mở tài khoản lưu ký theo quy định, khách hàng gửi hồ sơ yêu cầu thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán đến thành viên lưu ký. Thành viên lưu ký kiểm tra, đánh giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin về người sở hữu chứng khoán, tính phù hợp của yêu cầu thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán của khách hàng với quy định tại Thông tư 18/2025/TT-BTC trước khi gửi hồ sơ đề nghị thực hiện các hoạt động lưu ký chứng khoán đến Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
- Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán theo đề nghị của thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp sau khi thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp mở tài khoản lưu ký chứng khoán đứng tên thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
- Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán sau khi thông tin về người sở hữu chứng khoán trong hồ sơ do thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, tổ chức phát hành, công ty đại chúng cung cấp trùng khớp với các thông tin trên hệ thống tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT ngày 27/3/2025 quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Theo đó, tuyển sinh liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được quy định như sau:
(1) Chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo với nước ngoài thuộc tổng chỉ tiêu đào tạo hằng năm của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và được xác định theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(2) Minh chứng đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của người học trong tuyển sinh đầu vào là một trong những văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ sau:
- Chứng chỉ ngoại ngữ được cấp bởi đơn vị được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ và được công nhận cấp độ tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được tổ chức thi hợp pháp tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận cấp độ tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam;
- Văn bằng tốt nghiệp từ trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài do cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cấp, có xác định năng lực ngoại ngữ của người học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Văn bằng tốt nghiệp từ trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp cho người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài.
(3) Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phối hợp với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài quy định chi tiết về kế hoạch tuyển sinh, thông báo tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh và công nhận trúng tuyển; việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ để người học đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào trước khi giảng dạy chính khóa; việc lưu trữ, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm đối với tập thể, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động tổ chức tuyển sinh và công nhận công nhận trúng tuyển đối với từng chương trình liên kết đào tạo.