Rượu, bia sẽ chịu mức thuế tiêu thụ 65%

21/10/2014 08:34 AM

Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với kinh doanh casino (bao gồm cả trò chơi điện tử có thưởng) từ 30% lên 35%.

Sau 5 năm áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã góp phần ổn định và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu ngân sách từ thuế TTĐB trong tổng thu ngân sách từ thuế, phí và lệ phí luôn ổn định trong những năm qua: tổng thu từ thuế TTĐB chiếm tỷ trọng khoảng 8% - 9% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng khoảng 1,8% - 2,6% trên GDP hàng năm...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật thuế TTĐB hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế. Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội xem xét điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng.

Theo đề nghị của Chính phủ, để hạn chế sử dụng rượu, bia, Chính phủ đề nghị tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu: Rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên thuế suất 65% (tăng 15%); rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).

Đối với bia: từ ngày 01/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01/01/2017 tăng lên 60%; từ ngày 01/01/2018 tăng lên 65%.

Để đảm bảo đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là không thu thuế đối với cá nhân trúng thưởng casino, trò chơi điện tử có thưởng (do không thể xác định được thu nhập của người chơi khi thắng) thì cần thiết phải tăng thuế suất thuế TTĐB đối với hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng.

Theo chương trình Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp lần này, trong đó có nội dung bỏ quy định thu thuế TNCN đối với cá nhân trúng thưởng ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng do thực tế không xác định được thu nhập trúng thưởng. Nhằm bảo đảm đồng bộ với nội dung sửa đổi này, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với kinh doanh casino (bao gồm cả trò chơi điện tử có thưởng) từ 30% lên 35%.

Theo tổng kết, đánh giá của Chính phủ, Luật thuế TTĐB đã bộc lộ các hạn chế như sau:  Về đối tượng chịu thuế, Luật thuế TTĐB hiện hành quy định 16 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ thấy rằng việc thu thuế TTĐB đối với nap-ta (bao gồm cả con-đen-sát), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng đã không còn phù hợp với thực tế do những mặt hàng này không chỉ dùng để sản xuất ra xăng mà còn sản xuất ra dung môi và một số sản phẩm khác không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. 

Luật thuế TTĐB hiện hành quy định 5 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB. Qua quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc cần thiết phải sửa đổi, làm rõ đối với trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu tàu bay không sử dụng cho mục đích tiêu dùng thuộc diện thu thuế TTĐB mà sử dụng cho an ninh, quốc phòng.

Về giá tính thuế: Từ ngày 01/01/2012, Luật thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 quy định thu thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại hàng hoá. Tuy nhiên, do Luật thuế TTĐB chưa quy định cụ thể về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường nên cần bổ sung làm rõ, bảo đảm đồng bộ với Luật thuế bảo vệ môi trường.

Về thuế suất: Thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu và bia hiện nay còn thấp, chưa bảo đảm được mục tiêu hạn chế tiêu dùng những mặt hàng có hại cho sức khỏe. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới thì cần thiết phải điều chỉnh thuế suất đối với những mặt hàng này. Bên cạnh đó, để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng nhiên liệu sinh học từ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ môi trường cần thiết phải quy định mức thuế suất thuế TTĐB ưu đãi đối với xăng sinh học (E5, E10)./.

Vũ Hạnh

Theo VOV

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,401

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079