Khi nào rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội? Nhiệm kỳ Quốc hội bao lâu? (Hình từ internet)
Căn cứ Điều 71 Hiến pháp 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định nhiệm kỳ Quốc hội như sau:
- Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.
- Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.
- Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.
Như vậy, theo quy định trên thì nhiệm kỳ Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất.
Theo Thông cáo báo chí số 06 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thì sáng ngày 12/5/2025, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các nội dung:
(i) Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015;
(ii) Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;
(iii) Tờ trình về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031;
(iv) Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015, Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024, Luật Phá sản 2014 và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;
(v) Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Đối với việc rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội: Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Hiến pháp 2013 thì mỗi nhiệm kỳ Quốc hội kéo dài 5 năm. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Còn tại Luật Tổ chức Quốc hội 2014 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 cũng nêu rõ việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND do Quốc hội quyết định.
Được biết, ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV là ngày 20/7/2021, nếu theo quy định tại Điều 71 Hiến pháp 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (nhiệm kỳ Quốc hội kéo dài 5 năm kể từ ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên) thì ngày kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là ngày 20/7/2026.
Nếu như đề xuất việc rút ngắn nhiệm kỳ được Quốc hội thông qua, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ rút ngắn 3 tháng và ngày kết thúc nhiệm kỳ là ngày 20/4/2026 (thay vì từ ngày 20/7/2026).
Căn cứ Điều 3 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về nguyên tắc và hiệu quả hoạt động của Quốc hội như sau:
- Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.
- Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác.
Nguyễn Tùng Lâm