Đề xuất tạo điều kiện để phát triển trường ngoài công lập (Hình ảnh từ Internet)
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng giới thiệu toàn văn Dự thảo Hồ sơ để các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Dự thảo đã đề xuất sửa đổi Điều 103 Luật Giáo dục 2019 quy định về chính sách ưu đãi đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục như sau:
- Cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 85 và Điều 99 Luật Giáo dục 2019.
- Cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục được hưởng chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân
dân cấp tỉnh quyết định.
Chính phủ quy định chi tiết Điều 103 Luật Giáo dục 2019.
Hiện hành, tại Điều 103 Luật Giáo dục 2019 thì trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 85 Luật Giáo dục 2019. |
Như vậy, tại Dự thảo đã Khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trường ngoài công lập theo chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về xã hội hóa giáo dục; một số địa phương đề nghị bổ sung chính sách này.
Tại Điều 47 Luật Giáo dục 2019 quy định về loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân như sau:
- Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:
+ Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;
+ Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;
+ Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.
- Việc chuyển đổi loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
+ Chỉ chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;
+ Thực hiện quy định của điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình nhà trường ở mỗi cấp học, trình độ đào tạo;
+ Bảo đảm quyền của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và người học;
+ Không làm thất thoát đất đai, vốn và tài sản.
Như vậy, có thể hiểu trường ngoài công lập là trường tư thục hoặc dân lập, cụ thể:
- Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;
- Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Xem thêm Dự thảo Luật.