Nghị quyết 122: Di dời và tái định cư người dân ở khu vực có rủi ro thiên tai cao (Hình từ Internet)
Ngày 8/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 122/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
![]() |
Nghị quyết 122/NQ-CP |
Theo đó, Chính phủ đề ra nhiệm vụ về việc thường xuyên cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai như sau:
- Về thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai
+ Định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, ưu tiên nghiên cứu về ứng phó với thiên tai; từng bước làm chủ công nghệ trong dự báo thiên tai, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên và xã hội. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tại, đặc biệt là các thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hệ thống quan trắc tai biến địa chất, hệ thống giám sát bờ sông, bờ biển bằng công nghệ viễn thám, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại.
+ Ưu tiên phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai. Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng (CBA), áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS).
+ Điều tra, đánh giá, di dời và tái định cư người dân ở các khu vực có rủi ro thiên tai cao gắn với các giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững. Chủ động ứng phó với sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi, trung du. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
+ Xây dựng và thực hiện Đề án tăng cường dự báo, đánh giá tác động và các giải pháp phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Đề án phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
+ Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030. Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp giảm tình trạng ngập lụt đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu; làm mát đô thị theo hướng thuận thiên, thân thiện với hệ thống khí hậu.
+ Huy động và dự trữ nguồn lực để khắc phục, tái thiết cho các khu vực, hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu. Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thu và chỉ Quỹ phòng, chống thiên tai ở các cấp.
- Về giảm phát thải khí nhà kính
+ Thực hiện kiểm kê khí nhà kính quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở, cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo định kỳ. Khuyến khích các cơ sở phát thải khác, đặc biệt là các cơ sở thuộc khu vực công, thực hiện kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê và đo đạc, báo cáo, thẩm định hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành và lĩnh vực.
+ Nghiên cứu, ban hành quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục chứng nhận đăng ký hoạt động, kiểm tra xác nhận phát thải, giảm phát thải khí nhà kính. Xây dựng danh mục công nghệ sạch, phát thải các-bon thấp trong các ngành sản xuất để thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.
+ Triển khai hiệu quả kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng. Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 205022, đặc biệt về phát triển hạ tầng truyền tải điện thông minh, tăng tỷ trọng điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, triển khai áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến về lưu trữ năng lượng. Thực hiện thành công Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019.
+ Thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải; kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030.
+ Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng. Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, từng bước thay thế nguyên vật liệu gây phát thải khí nhà kính; từng bước giảm, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất.
+ Thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp. Triển khai hiệu quả Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
+ Tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ, phục hồi và duy trì các bể hấp thụ khí nhà kính tự nhiên. Thực hiện Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng (REDD+); bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030.
+ Thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải, bao gồm bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải, xử lý và xả thải nước thải.
+ Thực hiện tốt cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, cam kết quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn và làm mát bền vững; quản lý hiệu quả các chất và sản phẩm, thiết bị có chứa chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính.
+ Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm thị trường các-bon tuân thủ trong nước, từng bước kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế; thiết lập cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền