Trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thể chế hóa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân (Hình từ Internet)
Tại Thông báo 221/TB-VPCP ngày 9/5/2025, Thường trực Chính phủ thống nhất với Bộ Tài chính Nhóm các nội dung cần được thể chế hóa ngay, đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để trình ban hành tại Kỳ họp thứ 9 đối với các nhiệm vụ đã rõ, quan trọng, cấp bách, chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi thuộc thẩm quyền Quốc hội. Theo đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
- Tiếp thu tối đa các ý kiến các đồng chí Phó Thủ tướng và các Bộ, cơ quan dự họp, ý kiến của các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 8/5/2025 và các chỉ đạo tại mục 2, 3 nêu trên để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch hành động, khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, và các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, VCCI chậm nhất trong ngày 9/5/2025;
- Tổng hợp tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội theo quy định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, tổng hợp, trình Chính phủ theo quy định chậm nhất ngày 12/5/2025 để làm thủ tục xin ý kiến thành viên Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét ban hành trước ngày 18/5/2025. Hồ sơ trình cần thuyết minh rõ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn, lý do các cơ chế, chính sách cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội; các nội dung cần đưa vào các Luật chuyên ngành để thể chế hóa Nghị quyết 68.
- Tổng hợp, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 68; bảo đảm ‘6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả’; trình Chính phủ trước ngày 12/5/2025 để làm thủ tục xin ý kiến thành viên Chính phủ, kịp ban hành trước ngày 16/5/2025.
- Chuẩn bị nội dung chuyên đề của Thủ tướng Chính phủ trình bảy về Nghị quyết 68 và Kế hoạch hành động của Chính phủ tại Hội nghị quán triệt toàn quốc của Trung ương, gửi Văn phòng Chính phủ trước 12 giờ 00 ngày 15/5/2025; chuẩn bị dự thảo phát biểu của Tổng Bí thư chỉ đạo về nội dung chuyên đề trên gửi Văn phòng Chính phủ trước 12 giờ 00 ngày 11/5/2025.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền ký văn bản của Thủ tướng Chính phủ trong ngày 10/5/2025 gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội điều chỉnh Chương trình kỳ họp Quốc hội đối với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (về thời điểm Quốc hội biểu quyết thông qua là trước ngày 18/5/2025).
Xem thêm tại Thông báo 221/TB-VPCP ngày 9/5/2025.
Theo Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025, Bộ Chính trị chủ trương chỉ đạo 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế tư nhân gồm các nhóm nhiệm vụ giải pháp sau:
(1) Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.
(2) Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân, trong đó:
- Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách.
- Bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
- Tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm
(3) Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, trong đó:
- Tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân.
- Đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân.
(4) Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.
(5) Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
(6) Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
(7) Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
(8) Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Lê Quang Nhật Minh