6 Đối tượng tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc theo Công văn 2529 (Hình từ Internet)
Ngày 08/05/2025, Sở Nội vụ ban hành Công văn 2529/SNV-SBN hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách, chế độ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ.
![]() |
Công văn 2529/SNV-SBN |
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc phải đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025), Công văn 1814/BNV-TCBC ngày 26/4/2025, Công văn 2034/BNV-TCBC ngày 05/5/2025 và hướng dẫn này, được người đứng đầu cơ quan cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý đồng ý, cụ thể 06 đối tượng tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc như sau:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức.
(2) Cán bộ, công chức cấp xã.
(3) Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp Thành phố, cấp huyện.
(4) Đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.
(5) Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm.
(6) Viên chức, người lao động làm việc tại các Cơ sở cai nghiện ma túy chuyển giao sang Công an Thành phố quản lý.
Căn cứ Mục II Công văn 2529/SNV-SBN quy định về nguyên tắc giải quyết chính sách, chế độ như sau:
- Việc giải quyết chính sách, chế độ phải đảm bảo khách quan, dân chủ, công tâm và đúng theo quy định của pháp luật.
- Số chỉ tiêu biên chế được cắt giảm ngay trong kỳ giao biên chế của năm kế tiếp bằng số người nghỉ việc theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025) cho đến khi đủ chỉ tiêu tinh giản theo quy định.
- Ưu tiên giải quyết chính sách, chế độ đối với những người có sức khỏe yếu, thời gian công tác còn lại tính đến tuổi nghỉ hưu thấp hơn, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chưa xem xét giải quyết chính sách, chế độ đối với các trường hợp sau:
+ Là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện nghỉ việc.
+ Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.
+ Viên chức làm việc (không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý/ người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu) tại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Nội vụ chịu tác động của sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa bảo đảm số lượng người làm việc theo định mức do bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định.
- Không xem xét, thực hiện giải quyết đối với các trường hợp có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc nhưng được đánh giá có phẩm chất, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có thành tích tiêu biểu, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Không thực hiện giải quyết chính sách, chế độ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025) đối với cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã; người lao động có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
- Không áp dụng giải quyết chính sách chế độ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025) đối với các trường hợp có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021) và có đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên (các trường hợp này thuộc đối tượng nghỉ hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Lao động năm 2019).
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện, cấp xã nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc do kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện hoặc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo mô hình chính quyền cấp xã mới.
+ Thời điểm nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức cấp huyện thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025) được tính kể từ khi cấp huyện kết thúc hoạt động theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
+ Cơ quan có thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp xã mới (sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã) có trách nhiệm tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã do sắp xếp để thực hiện giải quyết và chi trả chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật.
- Các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc cũng phải thực hiện đánh giá và rà soát theo tiêu chí để xác định đối tượng nghỉ theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025).
- Thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền là thời điểm có hiệu lực của văn bản về thành lập, quy định tên đơn vị mới, cụ thể:
+ Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị.
+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện về việc thành lập cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
+ Quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp tổ chức bộ máy các Hội được đảng và nhà nước giao nhiệm vụ.
+ Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban, đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền