3 phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai năm 2025

24/05/2025 17:32 PM

Dưới đây là 3 phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai năm 2025 của Bộ Xây dựng.

3 phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai năm 2025

3 phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai năm 2025 (Hình từ internet)

3 phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai năm 2025

Ngày 22/5/2025, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 644/QĐ-BXD về Phương án ứng phó thiên tai năm 2025 theo các cấp độ rủi ro thiên tai thuộc phạm vi quản lý.

Để chủ động, phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả trong công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng, đảm bảo giao thông luôn thông suốt trong mọi tình huống thiên tai, Bộ Xây dựng ban hành 3 phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai năm 2025 của Bộ Xây dựng như sau:

(1) Đối với thiên tai cấp độ 1, 2

- Chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ, cảnh báo, dự báo sớm, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác dự báo, cảnh báo theo điều kiện địa phương; phối hợp, liên hệ chặt chẽ với Ban Chỉ huy các địa phương, các cơ quan có liên quan trên địa bàn để đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến các địa chỉ theo quy định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo ứng phó với các tình huống thiên tai;

- Tùy thuộc vào các tình huống thiên tai thực tế: chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công xây dựng; công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình; công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình đang khai thác, sử dụng;

- Hướng dẫn các địa phương lập phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật và có giải pháp bảo vệ, phòng ngừa, khắc phục sự cố khi xảy ra thiên tai;

- Kiểm kê tổng hợp số lượng phương tiện, vật tư, thiết bị dự phòng phục vụ phòng, chống thiên tai, nhất là những vật tư, thiết bị chuyên dùng như dầm cầu, rọ thép, phao, phà… sắp xếp, điều chỉnh lại vị trí để dự phòng cho phù hợp, sửa chữa những hư hỏng, mua sắm, sản xuất bổ sung cho đủ số cần thiết;

- Rà soát, triển khai xử lý các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng thường xảy ra nhiều năm gây ách tắc giao thông, xây dựng phương án đảm bảo giao thông của một số tuyến đường huyết mạch đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc-Nam, các tuyến quốc lộ khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh;

- Chủ trì, phối hợp địa phương rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, chủ động triển khai các phương án, giải pháp khắc phục ngập úng khi mưa lớn, nhất là tại các đô thị;

- Phối hợp địa phương tổ chức, triển khai Phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý các điểm ngập úng cục bộ, các điểm bị sạt trượt khi có mưa lớn gây ách tắc giao thông;

- Hỗ trợ các địa phương ứng phó với thiên tai theo nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

(2) Đối với thiên tai cấp độ 3 trở lên

- Quyết định các biện pháp cấp bách, huy động theo thẩm quyền các nguồn lực của Bộ để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi quản lý của Bộ và hỗ trợ các địa phương;

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc theo chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; xác định rõ vai trò chỉ huy thích hợp theo từng tình huống cụ thể;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của các bộ, ngành và địa phương, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (Ban Chỉ đạo);

- Chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ, cảnh báo, dự báo sớm, chính xác, bám sát diễn biến thiên tai. Khi có sự cố lớn xảy ra gây ách tách giao thông chỉ đạo các đơn vị thực hiện phân luồng giao thông ngay, phối hợp với Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương trong việc phân luồng, phân tuyến, đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn giao thông; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chủ động trong hành trình; triển khai kế hoạch đảm bảo vận tải, sẵn sàng tăng bo người và hàng hóa trên các tuyến giao thông bị ách tắc;

- Chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và tình huống thiên tai thực tế xây dựng phương án đảm bảo an toàn đối với kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng, nhà cửa và các công trình thuộc phạm vi quản lý của ngành Xây dựng;

- Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân sự để tổ chức họp, và tham gia họp trực tuyến với Trung tâm điều hành tại Văn phòng Chính phủ để triển khai các biện pháp ứng phó khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chuẩn bị báo cáo kịp thời theo quy định phối hợp ứng phó với tình huống sự cố, thiên tai để phục vụ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Ban Chỉ huy Bộ chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

(3) Đối với trường hợp bão mạnh, lũ lớn (Siêu bão và mưa lũ trên diện rộng, trầm trọng) xảy ra, Ban Chỉ huy triển khai các nội dung ứng phó khẩn cấp như sau:

- Kích hoạt tình trạng báo động (trực 24/24h) tới toàn bộ Ban Chỉ huy các đơn vị, lực lượng thường xuyên, lực lượng xung kích các đơn vị, các Công ty quản lý bảo trì đường bộ, đường sắt, hàng hải nơi chịu tác động trực tiếp của cơn bão.

- Thành lập Ban chỉ huy tiền phương qua nhóm cộng đồng giữa Ban Chỉ huy các cấp, Ban chỉ huy các đơn vị quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, các cảng vụ… qua mạng xã hội Zalo; qua hệ thống thông tin liên lạc nhằm chỉ đạo kịp thời tới các đơn vị chịu tác động trực tiếp của siêu bão trong việc xử lý kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả các tình huống cấp bách, kịp thời gia cố các vị trí trọng yếu nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, giảm nhẹ thiệt hại cho phương tiện và trang thiết bị của các cơ quan, đơn vị với phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng (sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả) nhằm ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất.

- Trường hợp khẩn cấp thực hiện chỉ đạo công tác di chuyển người lao động và phương tiện đến nơi tránh trú kiên cố, an toàn; phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương sẵn sàng phong tỏa tạm thời các tuyến đường, tuyến luồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; huy động lực lượng, phương tiện tham gia công tác phối hợp với các lực lượng Bộ đội, Biên phòng và các lực lượng chức năng địa phương.

Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079