Đại biểu “động viên” Quốc hội cho xây sân bay Long Thành

15/11/2014 09:01 AM

Lần thảo luận tại hội trường về dự án sân bay Long Thành chiều 14-11, 23/23 ý kiến của đại biểu phát biểu đều “cơ bản đồng tình” việc thông qua chủ trương xây dựng.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: vì sao người dân Long Thành (Đồng Nai) đã 10 năm nay sống trong vùng quy hoạch “treo” của dự án mà đến nay Quốc hội mới đem ra bàn? - Ảnh: V.D.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) là người phát biểu sau cùng của phiên thảo luận, có lẽ vì thế mà ông đã có một câu nói đúc kết khá chính xác: “Quốc hội là nơi để chúng ta lobby, thuyết phục lẫn nhau”.

Và thực tế các đại biểu đã đưa ra rất nhiều lý lẽ để “động viên” Quốc hội mạnh dạn quyết vấn đề xây dựng sân bay Long Thành.

Không cần chờ đủ điều kiện

Thừa nhận chưa đọc hết tài liệu về dự án sân bay Long Thành nhưng đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) vẫn đồng ý rất cao về việc phải xây sân bay Long Thành vì: “Vốn để xây sân bay Long Thành lấy từ ngân sách nhà nước là không lớn, vốn vay ODA tác động đến ngân sách nhà nước hằng năm cũng không cao... Chính phủ huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư. Tính khả thi của dự án là rất cao”.

Ông Học nói ông có niềm tin lớn vào Chính phủ và Bộ GTVT vì “đã cân nhắc, khảo sát kỹ lưỡng”. Và theo ông, việc thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành sẽ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của Quốc hội.

Cho rằng xây sân bay Long Thành là vừa cần thiết vừa cấp thiết, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói các nước trong khu vực đã xuất phát trước VN rất lâu, bây giờ phải xây sân bay để may ra còn bắt kịp họ.

Theo đại biểu Thuyền, việc xây dựng sân bay mất 8-10 năm nên Quốc hội cần phải thông qua chủ trương ngay để Chính phủ bắt tay vào làm. “Phải càng nhanh càng tốt, nếu không thì không còn cơ hội, lại lỡ nhịp một lần nữa” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tha thiết.

Trấn an những ý kiến lo lắng của một số đại biểu về tính cạnh tranh của sân bay Long Thành khi trong khu vực đã có nhiều sân bay quốc tế lớn, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng không nên lo lắng vì: “Buôn có bạn bán có phường, việc các quốc gia trong khu vực có sân bay lớn không phải là yếu tố cản trở, ngược lại sân bay Long Thành sẽ thúc đẩy vận tải hàng không khu vực thêm sôi động”.

Tương tự, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng trấn an các ý kiến lo lắng về việc sẽ tăng nợ công nếu xây sân bay Long Thành khi cho rằng sân bay Long Thành nếu làm tốt sẽ chẳng những không làm tăng nợ công mà còn giúp làm tăng ngân sách, làm giảm nợ công. “Chúng ta phải có niềm tin như thế mới làm được, và tôi tin là làm đúng” - ông Nam quả quyết.

Ai dũng cảm bảo lãnh cho Long Thành?

Câu hỏi ấy của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) là một trong rất nhiều câu hỏi thể hiện sự băn khoăn xung quanh dự án sân bay Long Thành mà các đại biểu đặt ra sau khi “cơ bản đồng ý”.

Đại biểu Cương nói: “Ai dũng cảm đứng ra khẳng định sẽ có lãi, sẽ đón được 50 triệu, 100 triệu khách trong tương lai?”. Và thực tế đến lúc này chưa ai “dũng cảm” cả. Chỉ có những vấn đề mà đại biểu Cương băn khoăn là có thật khi có đến 80 - 90% khách du lịch quốc tế đến VN đã không quay lại.

“Mục tiêu của dự án là có cơ sở nhưng không dễ dàng đạt được” - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cảnh báo.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng sân bay Long Thành cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc khi đầu tư một dự án khổng lồ 18,7 tỉ USD trong lúc mỗi người dân vẫn đang oằn vai gánh 900 USD nợ công, trong khi chưa có tiền tăng lương cho những người đang ngày đêm làm lụng vất vả.

Và cân nhắc hơn nữa khi “chúng ta đã có những bài học về việc triển khai nhiều dự án lớn mà không cân đối, chuẩn bị kỹ dẫn đến hiệu quả chưa tương xứng như mong muốn” - đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

Rất thẳng thắn trong phần phát biểu, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Ước tính đến năm 2030 ngành hàng không đón 100 triệu khách, nói theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là chúng ta đang đếm khách trên trời”.

Băn khoăn tiếp nữa của đại biểu Ngô Văn Minh là việc dành cho nhà đầu tư quá nhiều cơ chế đặc thù từ miễn thuế đất, thuế xuất nhập khẩu, rồi cổ phần hóa các đơn vị của Tổng công ty Hàng không để lấy vốn bồi thường giải tỏa mặt bằng.

“Đó thực chất cũng là ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân” - ông nói. Vẫn đồng ý cho triển khai dự án sân bay Long Thành nhưng đại biểu Minh gút lại: “Phải cam kết không tăng định mức đầu tư, không xin thêm cơ chế đặc thù, phải cẩn thận làm rõ việc này”.

Phát biểu cuối cùng trong buổi thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra góc nhìn không phải từ vấn đề kỹ thuật hay kinh tế: “Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất đang chi phối mối quan tâm của cả xã hội chính là vấn đề lòng tin và thông tin”.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi vì sao những người dân Long Thành (Đồng Nai) đã 10 năm nay sống trong vùng quy hoạch “treo” của dự án mà đến nay Quốc hội mới đem ra bàn? “Như vậy dự án có được thông qua thì người dân vẫn thấy dự án ấy dường như vẫn còn những điều thiếu hụt...” - đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Theo ông, cho dù có đánh giá cao dự án mà Bộ GTVT đưa ra thì cũng không thể không để ý đến các ý kiến phản biện xã hội về dự án này. Cần phải mời các chuyên gia, tổ chức độc lập phản biện và trả lời một cách tự tin về mục tiêu, tính khả thi của dự án sân bay Long Thành mới có đủ lòng tin và sự đồng thuận.

“Tôi nghĩ rằng với cung cách làm ăn như thế này thì những băn khoăn về quyết định đầu tư là đúng” - đại biểu Dương Trung Quốc kết thúc phần thảo luận của Quốc hội về dự án sân bay Long Thành.

VIỄN SỰ

Theo Tuổi trẻ


Chia sẻ bài viết lên facebook 3,996

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079