Hội thảo khởi động dự án dân chấm điểm M-Score với cán bộ tổ chức tại tỉnh Quảng Trị ngày 24.12.
Giám sát
cán bộ
Ngày 24.12, Tổ chức phi chính phủ Oxfam (Anh); Trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ);
Trung tâm phân tích dự báo thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Trung tâm PTDB);
Viettel phối hợp với HĐND tỉnh Quảng Trị (QT) tổ chức thực hiện dự án dân chấm
điểm M-Score. Đây là tỉnh đầu tiên thí điểm dự án này ở nước ta, theo Tổ chức
Oxfam thì trước đó, một số nước trên thế giới đã áp dụng dự án này và đem lại
những yếu tố tích cực. Tại tỉnh QT, phương án của dự án đưa ra là tiến hành
khảo sát hỏi người dân và DN, sau khi đến làm việc tại các văn phòng một cửa,
người dân và DN sẽ chấm điểm (từ 0 đến 9) về kết quả phục vụ tại các văn phòng
này.
Để thực hiện được việc này, cán bộ tại các văn phòng một cửa sẽ được tập huấn và được cung cấp phần mềm ghi sổ hồ sơ dưới dạng excel gồm: Số điện thoại của người dân; dịch vụ của người dân vừa đến làm việc. Khi có những thông tin này, cán bộ ở văn phòng một cửa sẽ đồng bộ và chia sẻ với HĐND tỉnh, Viettel, Trung tâm PTDB. Từ thông tin nhận được trên hệ thống, nhân viên Viettel sẽ nhắn tin hoặc gọi điện cho những người dân vừa đến làm việc ở văn phòng một cửa để khảo sát và nghe dân chấm điểm.
Bắt đầu từ 1.1.2015, người dân sẽ chấm điểm phục vụ các văn phòng một cửa cấp huyện, thành phố, thị xã ở tỉnh Quảng Trị.
Nếu người dân có nhu cầu muốn biết về hiện trạng hồ sơ (đã được xử lý hay chưa) thì căn cứ vào hệ thống, tổng đài viettel cũng có thể trả lời được. Sau khi tổng hợp điểm và đánh giá chất lượng, những thông tin này sẽ được công bố công khai trên trang web danchamdiem.vn. Sau mỗi quý sẽ có đánh giá xếp hạng về mức điểm của người dân dành cho mỗi bộ phận hành chính công trên toàn tỉnh.
Cải thiện chất lượng phục vụ
Ông Lê Bá Nguyên - Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh QT cho biết, HĐND tỉnh đã có kế hoạch giám sát hoạt động của văn phòng một cửa cấp huyện thông qua dự án dân chấm điểm M - Score. Trước mắt, tỉnh sẽ thực hiện thí điểm dự án đối với dịch vụ một cửa trên 9 huyện, thị, TP của tỉnh.
Sau đó sẽ nhân rộng ra các lĩnh vực hành chính công khác. “Dựa trên cơ sở kết quả khảo sát được công bố và kết quả giám sát trực tiếp, HĐND tỉnh sẽ yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các văn phòng một cửa khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng phục vụ người dân” - ông Nguyên nói. Để dự án triển khai có hiệu quả, hàng quý HĐND tỉnh sẽ có đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện của các văn phòng một cửa. Kết thúc hằng năm, những đơn vị được dân chấm điểm cao, làm hài lòng người dân sẽ được biểu dương, khen thưởng.
HĐND tỉnh QT đánh giá dự án dân chấm điểm - M-Score sẽ tạo ra kênh thông tin đối thoại giữa người dân và cơ quan chức năng. Đồng thời, tạo cơ hội cho cơ quan chức năng nhìn nhận về dịch vụ của mình và tìm ra giải pháp để cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - đại diện Oxfam tại VN nói rằng sẽ phối hợp với các đối tác để thực hiện tốt dự án thí điểm này tại QT. “Chúng tôi hướng đến mục tiêu lâu dài là dự án sẽ lan rộng và thể chế hóa để áp dụng trên quy mô cả nước. Oxfam cũng sẽ cố gắng kết nối các tổ chức trong và ngoài nước để có thể huy động tối đa các nguồn lực cho dự án” - bà Hoa chia sẻ.
Tuy nhiên, khi triển khai dự án này, một vấn đề khó khăn nảy sinh là việc không phải người dân nào cũng có điện thoại để có thể liên lạc và chấm điểm. Đặc biệt là ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đak Rông - nơi có phần đông người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống.
Theo kế hoạch, sau khi thử nghiệm ở 9 văn phòng một cửa cấp huyện ở tỉnh QT, đến năm 2016 dự án này sẽ nhân rộng ra các lĩnh vực như xã hội, y tế, giáo dục… Khi kết thúc dự án, tỉnh QT sẽ tạo điều kiện để phát triển bền vững mô hình này trong những năm tiếp theo và chia sẻ với các tỉnh, TP trên toàn quốc.
Hưng Thơ