Theo Chánh án Tòa án quân sự Trung ương Trần Văn Độ, khi tạm giữ hình sự một ai đó, ngoài việc phải có căn cứ, cơ quan tố tụng cũng cần phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn pháp luật quy định. Nếu người tiến hành tố tụng, cơ quan tố tụng không thực hiện đúng thì người bị tạm giữ có quyền khiếu nại.
Quyền của người bị tạm giữ dễ bị xâm phạm
Theo ông Độ, BLTTHS sửa đổi cần quy định rõ các quyền để người bị tạm giữ vận dụng bảo vệ mình khỏi việc tạm giữ thiếu căn cứ. Chẳng hạn người bị tạm giữ phải được biết lý do mình bị tạm giữ, được quyền bác bỏ căn cứ bắt khẩn cấp, bắt quả tang hoặc truy nã đối với họ. Họ có quyền im lặng hoặc khai báo, chứng minh, đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu xác minh để bác bỏ sự nghi ngờ phạm tội đối với mình.
Cũng theo ông Độ, do bị nghi ngờ thực hiện tội phạm, do bị truy nã nên người bị tạm giữ rất dễ bị xâm phạm các quyền tự do dân chủ như quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, quyền bảo vệ các lợi ích hợp pháp, chính đáng… Mà việc xâm phạm này lại thường xuất phát từ người tiến hành tố tụng, cơ quan tố tụng.
Cần mở rộng việc áp dụng các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam. Ảnh: HTD
Không nên lạm dụng tạm giam
Theo BLTTHS hiện hành, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, thực tế hiện nay người đang bị tạm giam (chưa bị kết tội) đang bị hạn chế rất nhiều quyền công dân.
Ông Trần Văn Độ đặt vấn đề: Cần nghiên cứu sửa BLTTHS theo hướng chỉ khi bị can “gây cản trở” cho quá trình điều tra thì mới bắt tạm giam thay vì là “gây khó khăn” như hiện nay. Bởi lẽ nói “gây khó khăn” thì sẽ có muôn vàn lý do. Có khi cơ quan điều tra (CQĐT) triệu tập nhưng bị can không đến là khó khăn, đến trễ cũng là khó khăn. Do đó, cần quy định lại theo hướng “gây cản trở” là phù hợp và CQĐT phải có nghĩa vụ chứng minh các biểu hiện gây cản trở cụ thể khi bắt tạm giam. Ngoài ra, cũng cần phải xem lại quy định bắt tạm giam đối với các trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Theo ông Độ, cơ quan tố tụng cần phải thận trọng khi tạm giam một người bởi có thể gây bất lợi pháp lý cho họ về sau. “Người đã bị tạm giam thì thường không được hưởng án treo hoặc bị tòa tuyên án bằng thời gian tạm giam dù có thể lẽ ra đã được mức án nhẹ hơn” - ông Độ nói.
Về vấn đề tạm giam, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm (Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân) góp ý: BLTTHS hiện hành đang xác định đối tượng có thể bị tạm giam theo tính chất của tội phạm. Yếu tố này chưa phản ánh hết các vấn đề của bị can, bị cáo có thể ảnh hưởng đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bởi lẽ không phải trường hợp nào phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cũng có hoạt động cản trở điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ngược lại, không ít người phạm tội ít nghiêm trọng nhưng lại có hành vi chống đối, cản trở hoạt động tố tụng rất quyết liệt. Vì vậy, cần sửa đổi BLTTHS theo hướng xác định điều kiện tạm giam căn cứ vào nhân thân và điều kiện hoàn cảnh của bị can, bị cáo cùng những hành vi cụ thể của họ.
Áp dụng biện pháp bảo lĩnh
“Cần mở rộng việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam như bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo” - Trung tướng Yêm nhấn mạnh. Theo ông, đối với những bị can, bị cáo dù phạm loại tội phạm nào mà căn cứ vào nhân thân, điều kiện cụ thể xác định họ không trốn hoặc không thể trốn, cũng không có những hành vi khác cản trở điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì có thể cho bảo lĩnh, đặt tiền…
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, cần có quy định cụ thể điều kiện đối với cá nhân đứng ra bảo lĩnh, quy định chế tài phạt tiền áp dụng đối với người nhận bảo lĩnh trong trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn. Đối với biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thì cần sửa quy định theo hướng chỉ quy định đặt tiền, không quy định đặt tài sản nhằm nhanh chóng áp dụng biện pháp này trong thực tiễn.
Chế độ tạm giữ, tạm giam Cần quy định cụ thể về chế độ tạm giữ, tạm giam theo hướng: Tạm giữ riêng, tạm giam riêng; có các khu tạm giữ, tạm giam riêng cho phụ nữ, người chưa thành niên, người nước ngoài. Đồng thời, cần có quy định về việc tạm giữ, tạm giam đối với phụ nữ có thai và đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trong đó có chế độ chăm sóc đặc thù nhằm đảm bảo các yêu cầu y tế, vật chất, tinh thần cho sự phát triển bình thường của người mẹ, thai nhi và đứa trẻ. Trong luật cũng cần quy định tiêu chuẩn của nhà tạm giữ, tạm giam nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Trung tướng NGUYỄN XUÂN YÊM, Thận trọng với người chưa thành niên Tạm giữ, tạm giam có thể gây thương tổn tâm lý đối với người phạm tội chưa thành niên. Do đó, phải thắt chặt hơn nữa điều kiện áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên và chỉ áp dụng khi đó là biện pháp cuối cùng. Trường hợp cần phải tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên thì cần tính toán đến hai yếu tố: Thứ nhất là tạo điều kiện tối đa cho cha mẹ, người thân chăm nom và địa điểm tạm giữ, tạm giam nên gần khu dân cư. Thứ hai là phải trả tự do ngay nếu xét thấy không cần thiết tạm giam nữa. TS TRẦN
VĂN DŨNG, Vụ
Pháp luật hình sự |
DƯƠNG HẰNG